Biwase chuyển mình mạnh mẽ sau cổ phần hóa

Thứ sáu, ngày 06/09/2024

(BDO) Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, thời gian qua Bình Dương luôn khuyến khích thu hút nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư vào hạ tầng đô thị, mở rộng hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước và đã mang lại những thành quả đáng tự hào. Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) là đơn vị điển hình sử dụng hiệu quả vốn ODA trong phát triển, nâng chất hoạt động cấp thoát nước trên địa bàn tỉnh.

 Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao mô hình hoạt động của Biwase sau cổ phần hóa; các nguồn vốn vay ODA đã được đơn vị phát huy hiệu quả trong chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà tỉnh Bình Dương đặt ra

 Chặng đường đột phá của Biwase

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, nhớ lại những ngày đầu thành lập Biwase có xuất phát điểm rất thấp, với công nghệ cũ, khai thác các giếng nước ngầm nhỏ lẻ, công suất 4.000-5.000m3/ngày, không thể đáp ứng cho thời kỳ đổi mới. “Chúng tôi nhận thấy công suất cấp nước hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương trong tương lai, nên nhanh chóng chuyển sang công nghệ mới, sử dụng nguồn nước mặt là chủ yếu. Từ quyết định chuyển đổi công nghệ, đến năm 1997 Biwase đã có nhà máy nước mặt công suất 21.600m3/ngày cung cấp nước trên địa bàn TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) và các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Việt Hương”, ông Thiền chia sẻ.

Ông Thiền cho biết động lực để các đơn vị như Biwase thành công, không ngừng phát triển lớn mạnh đó chính là nhờ trong công cuộc đổi mới, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất năng động, quan tâm đến những yếu tố để tạo động lực phát triển cho tỉnh nhà. Cụ thể, lĩnh vực điện, cấp thoát nước luôn được tỉnh quan tâm đầu tư đi trước để phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Dẫu vậy, việc đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để giải quyết vấn đề này, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ Biwase về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó có các nguồn vốn ODA. Nhờ đó, Biwase đã xây dựng các nhà máy nước Dĩ An, Tân Hiệp, Mỹ Phước; các nhà máy nước thải Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên…

Xây dựng hệ sinh thái thương hiệu Biwase

Trên chặng đường phát triển của mình, cùng với sự hỗ trợ từ các nguồn vốn ODA, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước từng bước được tái cấu trúc, sắp xếp lại; các công ty cấp thoát nước một thành viên với 100% vốn Nhà nước cũng được cổ phần hóa để thu hút vốn từ nguồn lực xã hội, góp phần giảm dần sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Biwase cũng không ngoại lệ, tập thể cán bộ, công nhân viên công ty đã chung sức, đồng lòng tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của đơn vị.

 Nhà máy phát điện từ rác của Biwase sử dụng nguồn vốn vay ODA góp phần hoàn thiện công nghệ xử lý khép kín, tuần hoàn của Biwase

Cuối năm 2016, Biwase chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Một năm sau (năm 2017), cổ phiếu của Biwase chính thức niêm yết trên sàn HOSE, đánh dấu một bước ngoặt mới trên chặng đường phát triển của mình. Chính năng lực quản trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Biwase được đánh giá cao đã tạo niềm tin để công ty tìm kiếm nguồn vốn vay tín chấp không qua sự bảo lãnh của Chính phủ để đầu tư các dự án như Nhà máy nước Tân Hiệp, lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày kết hợp phát điện công suất 5MW... Đặc biệt, đến nay Biwase tự nghiên cứu, xây dựng nhà máy xử lý rác ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, từng bước hoàn thiện công nghệ xử lý, tận dụng nguồn thải để tái chế thành nguồn nhiệt để phát điện. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên Biwase luôn hướng tới xây dựng công ty an toàn và bền vững, tiến tới Zero Carbon…

Biwase luôn hướng đến công nghệ xanh, tuần hoàn, khép kín, tạo nên hệ sinh thái mang thương hiệu Biwase. Từ những nền tảng vững chắc ban đầu, cùng với công tác quản trị tốt, hiệu quả, công ty dần tích lũy đầu tư mở rộng sang các công ty khác cùng ngành nghề. Đến nay, Biwase đã góp vốn vào các công ty cổ phần, như: Công ty CP Cấp nước Đồng Nai, Cấp thoát nước Cần Thơ, Công ty CP Nước Biwase Quảng Bình… tạo nền tảng để Biwase tăng tốc trong giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong những năm qua Biwase luôn chung tay cùng tỉnh Bình Dương, các địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khó khăn trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, công ty đã hỗ trợ hộ nghèo bò giống để tạo thu nhập, có cuộc sống ổn định; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp trường học, chương trình trao quà “xuân biên giới”… Có thể khẳng định, trên con đường phát triển của mình Biwase luôn tự hào là doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

 Để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh trong những năm tiếp theo, từ ngày 6-9- 2024 Biwase nâng quy mô phát triển các chi nhánh trực thuộc công ty trước đây thành 5 công ty con, gồm: Công ty TNHH MTV Nước Biwase Bình Phước, công suất 60.000m3/ngày (trước đây là Chi nhánh Cấp nước Chơn Thành); Công ty Cổ phần nước Biwase Long An, công suất 60.000m3/ngày; Công ty TNHH MTV Liên hợp Khoa học - Công nghệ - Môi trường Biwase (trước đây là Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase); Công ty TNHH MTV Tư vấn Biwase (trước đây là Chi nhánh Tư vấn cấp thoát nước Biwase); Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Biwase (trước đây là Chi nhánh Dịch vụ đô thị Biwase).

 MINH DUY