BIOGAS: Nguồn năng lượng chưa khai thác tốt

Thứ năm, ngày 06/09/2012

Phát triển rộng việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tái tạo năng lượng, góp phần giải quyết 2 vấn đề lớn hiện nay là môi trường và năng lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng  mô hình Biogas tiết kiệm được năng lượng phục vụ đời sống, sản xuất chăn nuôi... vẫn chưa phát triển rộng.    Hầm biogas ứng dụng công nghệ mới đang triển khai ở Bến Cát

Biogas là khí sinh học được sinh ra từ quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ có chứa các thành phần như chất đường, proteine, mỡ dầu, chất sơ trong điều kiện yếm khí, cụ thể như chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, chất thải hữu cơ trong sinh hoạt đời sống con người, phế phẩm, chất thải hữu cơ trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, giết mổ... cũng như các chất hữu cơ thải ra từ các ngành nghề công nghệ, thành thị... Biogas là giải pháp công nghệ hữu ích tạo nguồn năng lượng khí sinh học tại chỗ cho bà con nông thôn; không chỉ cung cấp gas thay cho củi, dầu mà còn là nguồn năng lượng thay thế điện trong sản xuất, sinh hoạt.

Theo GS. Bùi Văn Ga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (NCBVMT) Đại học Đà Nẵng, thì mỗi năm, Việt Nam sản sinh ra khoảng 4 tỷ m3 khí sinh học biogas CH4. Với mức độ gây hiệu ứng nhà kính của khí CH4 (thành phần chủ yếu của biogas) cao gấp 23 lần so với khí CO2, việc tận dụng biogas làm nhiên liệu phát điện là rất cần thiết nhằm giảm phát thải chất khí gây hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch cho quốc gia. Động cơ có thể biến 1m3 biogas thành 1kWh điện, tiết kiệm được 0,4 lít dầu diesel và góp phần giảm phát thải 1kg CO2 vào khí quyển. “Nếu áp dụng công nghệ này mỗi năm nước ta có được 4 tỷ kWh điện từ biogas, bằng 10% năng lượng điện bằng nhiên liệu thay thế, tiết kiệm 1,6 tỷ lít dầu; giảm 4 triệu tấn CO2 (1,5 triệu tấn khí carbon) thải vào môi trường, tương đương giảm 6,5% so với mức thải hiện nay là 24 triệu tấn carbon trong một năm”. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ phẩm khí sinh học (chất thải sau biogas) là một nguồn phân giàu dinh dưỡng, có giá trị giúp giảm chi phí mua phân bón cho cây trồng, nuôi cá... Như vậy sẽ hạn chế được một số sâu bệnh, cỏ dại giúp tiết kiệm thêm chi phí thuốc trừ sâu, diệt cỏ, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện môi trường sống, xây dựng nông thôn mới.

Đối với Bình Dương, phát triển chăn nuôi gia súc luôn duy trì mức tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân 5,5 - 6%. Và theo dự thảo chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của tỉnh, đến năm 2015 đạt tổng đàn heo 456.000 con, đàn bò 50.000 con và tổng đàn gia cầm 2,30 triệu con. Bên cạnh một số quy mô chăn nuôi vừa, lớn, Bình Dương có nhiều hộ chăn nuôi heo phân tán trong các hộ gia đình trung bình khoảng 17.000 hộ chiếm 20% tổng đàn, chủ yếu tập trung ở các huyện phía bắc. Tuy nhiên hiện nay, khoảng 20% hộ chăn nuôi heo phân tán trong các hộ gia đình đã xây dựng hầm biogas với thiết kế túi PE, hầm bê tông nhưng hầu hết chưa đủ thể tích xử lý.

Vấn đề quản lý và xử lý chất thải của hộ chăn nuôi, trang trại còn nhiều vấn đề bất cập như không xử lý chất thải, công nghệ xử lý chưa phù hợp hoặc có xử lý nhưng mang tính đối phó chưa đạt các quy chuẩn môi trường tối thiểu. Yếu tố khác là hầu hết các hộ chăn nuôi còn chưa nhìn thấy việc tái tạo chất thải chăn nuôi, sản sinh khí biogas để làm chất đốt, phát điện và làm phân bón hữu cơ hữu hiệu cho các loại cây trồng.

Thêm vào đó, để bảo đảm cho xử lý chất thải hộ chăn nuôi, bình quân từ 20 - 30 con heo thì lượng nước thải trung bình có từ 0,8 - 1,2m3/ngày và để có thời gian lưu nước thải tối thiểu nếu tính 20 ngày ta phải xây dựng một hầm biogas 20 - 30m3 (có 80% dung tích hữu dụng chứa phân + nước cho 20 heo là 16m3 và 30 heo là 24 m3); chi phí tổng cộng xây dựng 1 hầm biogas (xây gạch) 20m3 nếu tính tối thiểu 700.000 đồng/m3 cần vốn đầu tư khoảng 15 triệu đồng cho 20m3 và 22 triệu đồng cho 30m3 nên sẽ vượt quá khả năng tài chính của hầu hết các hộ chăn nuôi. 

Hầm biogas có thời gian lưu xử lý nước thải chăn nuôi tương đối dài khoảng 30 ngày. Ngoài ra, với giải pháp công nghệ sử dụng bạt HDPE có khả năng kháng hóa chất tuyệt vời, chống tia UV, bền, dai và không bị rạn nứt có tuổi thọ trung bình > 20 năm  nên tạo môi trường kỵ khí hoàn toàn trong hầm ủ sinh học kỵ khí và bảo đảm hiệu quả xử lý ô nhiễm cao.

L.KHÁNH - H.NHÂN