Bình ổn giá thuốc: việc làm cần nhân rộng!
“Sinh, lão, bệnh, tử” - 4 giai đoạn mà cuộc đời của mỗi con người chúng ta đều phải trải qua. Đã là con người ai cũng như ai: được sinh ra, lớn lên - già yếu, bệnh tật rồi mất đi. Để chống chọi với bệnh tật, để kéo dài cuộc sống, chúng ta cần có những cứu cánh đó là thuốc men và những tiến bộ của ngành y. Thế nhưng từ trước đến nay, khi nhắc đến giá thuốc thì thân nhân của người bệnh và cả những bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y đều lắc đầu ngao ngán. Bởi vì thời gian qua hầu như giá thuốc trị bệnh của chúng ta bị thả nổi, không kiểm soát được, do đó khi đi mua thuốc trị bệnh mấy ai dám trả giá; cứ cửa hàng, hiệu thuốc tính bao nhiêu thì người mua phải trả bấy nhiêu. Từ đó chuyện làm sao quản lý, kiềm chế sự gia tăng của giá thuốc trị bệnh là việc người dân hằng mong đợi.
Mới đây nghe thông tin từ một địa phương của bạn mà lòng cảm thấy vui lây: UBND TP.HCM vừa đồng ý nội dung kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn trong năm 2011. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn là một năm, từ ngày 1-4-2011 đến 31-3-2012, mức vốn bình ổn là 9 tỷ đồng. Tìm hiểu thêm thì được biết: Tham gia phục vụ bình ổn thị trường có 10 nhóm thuốc thiết yếu với 40 loại thuốc sản xuất trong nước. Đây là các loại thuốc điều trị những bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mạn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều gồm các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt. Số lượng thuốc tham gia bình ổn thị trường chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu được người dân thành phố sử dụng trong năm. Đáng quan tâm là giá bán các loại thuốc bình ổn sẽ thấp hơn giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10%.
Theo kế hoạch, đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dược trong và ngoài thành phố. Trong đó, ưu tiên cho những công ty có năng lực sản xuất, đáp ứng được số lượng thuốc lớn và đã đạt chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” GMP - WTO, “Thực hành tốt phân phối thuốc” - GDP và các loại thuốc trong chương trình bình ổn chỉ được bán cho bệnh nhân ngoại trú hoặc bán tại các nhà thuốc tham gia chương trình chứ không bán ở bệnh viện vì bệnh viện có bảo hiểm y tế. Theo yêu cầu đặt ra, các công ty, nhà thuốc tham gia chương trình ngoài tiềm lực tài chính mạnh cần phải có kinh nghiệm và mạng lưới phân phối rộng khắp trên địa bàn. Đồng thời, phải cam kết hàng hóa tham gia trong chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng thuốc...
Tuy chỉ mới là kế hoạch ban đầu nên trong quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh cần phải giải quyết, nhưng thiết nghĩ đây chắc chắn là một tin vui cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh, nhất là các gia đình lao động nghèo. Bởi vì trong suốt cuộc đời của mình ai không trải qua những lần bệnh hoạn nặng, nhẹ khác nhau phải cần đến thuốc trị bệnh nên việc thực hiện bình ổn giá thuốc của địa phương bạn, dù là bình ổn các loại thuốc sản xuất trong nước cũng là việc làm đáng hoan nghênh vì nó vừa góp phần tích cực làm giảm chi phí điều trị bệnh, vừa tham gia một cách thiết thực nhất cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trên lĩnh vực y tế. Đây đúng là một việc làm hay cần được nhân rộng ra các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương của chúng ta.
DÂN THƯỜNG