Bình Dương vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa

Thứ bảy, ngày 28/03/2015

(BDO) Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bình Dương có những nét đặc sắc riêng cần tiếp tục được phát triển, bổ sung và hoàn thiện

Một là, Bình Dương đã đặt đúng trọng tâm vào việc phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, kết nối; đi từ xây dựng quy hoạch tổng thể sau đó mới quy hoạch chi tiết và triển khai quy hoạch một cách kiên quyết, kiên trì…. Quy hoạch ở Bình Dương có tính đồng bộ cao, đồng bộ về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, đồng bộ giữa hạ tầng công nghiệp, môi trường và dân cư. Becamex có mô hình rất hay bên đây là công nghiệp, giữa là môi trường và bên cạnh là dân cư. Đặc biệt là tính kết nối, Bình Dương rất coi trọng sự kết nối, sự kết nối hạ tầng giữa các dự án, giữa các dự án với hạ tầng chung của toàn tỉnh, cũng như Bình Dương rất coi trọng kết nối hạ tầng giữa tỉnh với các tỉnh trong khu vực. Bình Dương đã sớm làm được điều này.

Hai là, Bình Dương đã chú trọng huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực để công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự coi trọng phát triển hạ tầng đã tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Bình Dương tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa không chỉ là phát triển hạ tầng mà còn biết tạo ra sức hút. Tại sao nhiều doanh nghiệp lại đến Bình Dương, cả doanh nghiệp nước ngoài cũng đến Bình Dương vì Bình Dương có hạ tầng đồng bộ, kết nối. Trong phát triển hạ tầng, Bình Dương đã biết huy động và sử dụng tốt nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp, nguồn lực của nhân dân, nguồn lực trong nước và nguồn lực doanh nghiệp nước ngoài với môi trường đầu tư thông thoáng chủ động…

Bình Dương luôn quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội. Trong ảnh: Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho thương binh Đinh Văn Hoành (SN 1940) ở thị trấn Dầu Tiếng. Ảnh: THIÊN LÝ

Ba là, Bình Dương đã sớm chú trọng hội nhập, chủ động tiếp cận tranh thủ và phát huy những mặt tích cực của hội nhập để phát triển. Becamex rất nhanh, rất sớm biết liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Singapore, biết cách vừa học vừa làm ăn với Singapore. Học từ cách quản trị, công nghệ, phương thức làm ăn tạo ra một phong cách Becamex hiện nay. Hội nhập không phải để chỉ tranh thủ nguồn vốn mà còn tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, chuyển hóa cái của họ thành cái của mình. Đó là logic nhưng không phải ai cũng làm được.

Thứ tư, Bình Dương đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa. Becamex có ý tưởng là đào tạo nghề quan việc thành lập trường Đại học Quốc tế Miền Đông phục vụ không chỉ cho tổng công ty của mình, gắn kết học với thực tiễn.

Thứ năm, công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Bình Dương là hướng đến con người, chú trọng lợi ích của nhân dân bằng cách giải quyết vững chắc, từng bước có hiệu quả các vấn đề xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Vấn đề thu nhập thế nào, nhà ở thế nào, an toàn như thế nào đều được quan tâm chú trọng giải quyết.

Như vậy, trả lời câu hỏi tại sao Bình Dương thành công là vì Bình Dương đã đi đúng quy luật. 5 điểm đặc sắc nêu trên đã thể hiện điều đó. Đúng quy luật thì thành công, trái quy luật thì thất bại. Kết quả đạt được rất hùng hồn, so năm 1997 từ khi mới tái lập tỉnh với năm 2014, các vấn đề, các chỉ tiêu đều vượt hàng chục lần, riêng đô thị hóa tăng 3,4 lần. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước là 31%, Bình Dương là 82%. Kết quả hào hùng đó, khẳng định quá trình phát triển ở Bình Dương là đúng hướng, đây không chỉ là kinh nghiệm cho Bình Dương mà là kinh nghiệm cho cả nước. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến kinh nghiệm này để góp phần làm rõ hơn phần viết về công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Bên cạnh những thành công, còn nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế phải đối mặt, là thách thức cần phải vượt qua. Trong giai đoạn phát triển vừa qua của Bình Dương, không phải tất cả đều là thành công, toàn diện. Bình Dương đã phát triển đến ngưỡng của một giai đoạn, phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức mới, cần phải tiếp tục có bước đột phá cao hơn.

Trước hết, mâu thuẫn giữa phát triển với giải quyết các vấn đề xã hội gia tăng. Đi đôi với phát triển các khu công nghiệp tập trung Bình Dương có gần 1 triệu công nhân nhập cư, phần lớn là phụ nữ, đang là đại vấn đề xã hội lớn cần giải quyết. Hiện nay, các nước trong khu vực, các tỉnh, thành phố phát triển cũng đang phải đối mặt với giải quyết vấn đề dân nhập cư từ nông thôn về đô thị. Sự di chuyển thể nhân đang hình thành một lực lượng xã hội mới, đặt ra rất nhiều vấn đề xã hội rất mới cả về dịch vụ, an ninh, văn hóa, đạo đức. Để giải quyết bài toán này không dễ. Mỗi năm nhu cầu về trường học, nhà ở, y tế đều tăng cao. Năm 2014, số học sinh tăng thêm lên đến 28.000 em, chủ yếu là học sinh tiểu học. Như vậy, đòi hỏi Bình Dương phải bố trí nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm cho sự phát triển.

Vấn đề thứ hai là sức ép cạnh tranh tăng lên, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng lớn. Cạnh tranh ngay trên sân nhà, bắt đầu vào cộng đồng ASEAN rồi, thuế quan bỏ hết đi cho nên vấn đề chất lượng, sức cạnh tranh đang đặt ra gay gắt. Do đó, vấn đề công nghệ vào nông nghiệp như thế nào, chuyển nền nông nghiệp của Bình Dương thành nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; rồi đổi mới quản trị doanh nghiệp như thế nào? Đang là vấn đề chiến lược đòi hỏi Bình Dương phải đổi mới mạnh mẽ hơn, có nhiều tìm tòi sáng tạo hơn, bứt phá để tiếp tục phát triển bền vững.

Một vấn đề quan trọng đặt ra là Bình Dương tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển của mình như thế nào? Bài toán phát triển sắp tới cần phải tính đến liên kết vùng, Bình Dương sẽ không thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ được nếu không có sự liên kết vùng, phát huy liên kết vùng bằng lợi thế cạnh tranh. Quy hoạch vùng và liên kết các tỉnh trong vùng đang là rào cản cho sự phát triển. Sự kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có nhiều mặt còn hạn chế . Nhất là những chia sẻ trong lĩnh vực y tế giáo dục, dịch vụ cao cấp, hạ tầng giao thông

Đổi mới cơ chế quản lý vấn là vấn đề khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn. Muốn phát triển phải thay đổi cơ chế từ xưa tới nay được xây dựng theo kiểu bình quân và nhất thể hóa: đồng bằng, đô thị, nông thôn, miền núi giống nhau trong khi trình độ phát triển và điều kiện thì khác nhau. Những cơ chế Bình Dương đi trước chưa có tiền lệ, do đó sẽ có nhiều vướng mắc. Vì thế, phải có một tư duy mạnh hơn, tạo nên các quyền chủ động, tự chủ, chịu trách nhiệm, phù hợp với trình độ phát triển và điều kiện của Bình Dương.

Tóm lại, kết quả quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã có những thành công bước đầu, nhưng có chiều sâu và theo hướng bền vững, từ đó Bình Dương đã trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, với các giá trị cốt lõi là: là một tỉnh năng động, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược; là một tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hiện đại; một nơi thuận lợi cho các nhà đầu tư; hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại; một địa danh đáng đến tham quan và sinh sống.

Thành công của quá trình này có thể rút ra kinh nghiệm quý báu đó là: Sự kết hợp của các yếu tố đổi mới tư duy mạnh mẽ, có một tầm nhìn chiến lược, một quy hoạch hiện đại phát huy được thế mạnh, lợi thế của tỉnh, có tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, chính sách thông minh, nổi trội, đột phá chiến lược; điều hành quyết liệt, sáng tạo, tranh thủ thời cơ; sự phối hợp gắn kết giữa trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước, Trung ương, địa phương, sự đoàn kết, gắn bó, đồng thuận trong xã hội, tin tưởng của người dân và doanh nghiệp .

Trong những năm tiếp theo, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh, Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020, xây dựng Bình Dương trở thành một “thành phố sống tốt” trên quy mô toàn tỉnh, là một thành phố luôn cố gắng hoàn thiện tất cả các khía cạnh liên quan đến môi trường, xã hội, văn hóa, cơ sở hạ tầng, quản trị và sự tham gia nhằm bảo đảm chất lượng sống tốt nhất cho cư dân của mình và tăng cường khả năng cạnh tranh của thành phố. Xây dựng một “Bình Dương xanh”: xanh về công nghiệp, xanh về đô thị và xanh về môi trường. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bình Dương tiếp tục đoàn kết, tiếp tục đổi mới tư duy công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển cân bằng trong nền kinh tế tri thức, chú trọng các vấn đề sau: (1) Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích sáng tạo tri thức mới trong sản xuất và đời sống. (2) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học công nghệ. (3) Hiện đại hóa được ưu tiên trong suốt quá trình công nghiệp hóa với mức độ ngày càng cao, càng mạnh hơn. (4) Đô thị hóa theo tư duy hiện đại, hướng đến mức độ thụ hưởng của người dân, đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng bền vững.

 TS. NGUYỄN HỮU TỪ (Phó Bí thư Tỉnh ủy)