Bình Dương vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa

Thứ năm, ngày 26/03/2015

Trải qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bình Dương đã có bước phát triển nhanh, mạnh, góp phần vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triên kinh tế - xã hội chung của cả nước. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và 17 năm tái lập, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(BDO)

 Các doanh nghiệp tại Bình Dương ngày càng chú trọng khâu tự động hóa trong sản xuất. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất sữa hộp giấy tiệt trùng Dutch Lady

 Đột phá để thành công

Những năm qua, Bình Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế khá so với vùng và cả nước, tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 13%, bình quân cả thời kỳ 2000 đến nay đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ một tỉnh nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao (76% năm 1986), sau khi tách tỉnh nông nghiệp vẫn còn khá cao (27,3%) đã sang hướng tỉnh công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đến cuối năm 2014, tỷ trọng tương ứng là 60,8% - 36,4% - 3%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu đồng/người/năm lên 61,2 triệu đồng/người (tương đương 2.915 USD/đầu người), cao gấp 1,5 lần mức bình quân cả nước.

Sự chuyển mình của Bình Dương là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa (CNH, ĐTH). Tỉnh đã sớm có chủ trương thúc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến hành đô thị hóa một cách đồng bộ, vững chắc. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, ngay sau khi tái lập, tỉnh đã đưa ra chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao, dịch vụ mũi nhọn phục vụ công nghiệp, hình thành cơ cấu hợp lý, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với phát triển các khu công nghiệp, các đô thị mới, hiện đại, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại từng bước được hình thành, phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Chủ trương, quan điểm đó xuyên suốt quá trình phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cũng đã chỉ ra phương hướng phát triển của Bình Dương là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Thành công bước đầu mang tính đột phá trong thời gian qua của tỉnh là việc phát triển nhanh, có hiệu quả các khu công nghiệp và các khu đô thị mới tập trung. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích gần 10.000 ha và 8 cụm công nghiệp tổng diện tích gần 600 ha; tỷ lệ lấp kín diện tích bình quân của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt trên 65%, các cụm công nghiệp là gần 45%. Tỉnh đã năng động và tích cực đề ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đến nay. đã thu hút được 17.266 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng số vốn là 129.498 tỷ đồng và 2.449 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 20,7 tỷ USD; đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh nhà. Thu ngân sách của tỉnh luôn đạt mức cao của cả nước.

Với phát triển đô thị, tỉnh đã lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng hiện đại, văn minh của khu vực và thế giới, để có cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại; mạnh dạn triển khai thực hiện một loạt các dự án quan trọng như: Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị với tổng diện tích 4.196 ha, trong đó 1.000 ha trung tâm đô thị với Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương là hạt nhân; một số tuyến giao thông huyết mạch, đã từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nhằm thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đến hôm nay, bộ mặt Bình Dương đang thay đổi nhanh, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về quy mô mức độ, chất lượng hưởng thụ. Các chính sách an sinh xã hội (ASXH) được thực hiện tốt, đời sống của các gia đình chính sách được quan tâm chăm lo; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục và đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân... Chuẩn nghèo gấp 2 lần so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo thấp, không còn hộ nghèo theo chuẩn cũ. Qua gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự năng động trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương đã thật sự tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển công nghiệp - đô thị.

Nhìn nhận lại quá trình phát triển, để rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng đắn những thành tựu, hạn chế; từ đó định hướng cho một quá trình phát triển mới, phát triển vượt bậc, trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 và đô thịvăn minh, hiện đại trong tương lai là rất cần thiết. (Còn tiếp)

TS. NGUYỄN HỮU TỪ (Phó Bí thư Tỉnh ủy)