Bình Dương triển khai quyết liệt, toàn diện các dự án trọng điểm kết nối vùng

Thứ sáu, ngày 15/03/2024

(BDO) Chiều 15-3, tại tỉnh Đồng Nai đã diễn ra hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ lần thứ IV.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Về phía Bình Dương, tham dự có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 Hội nghị trao đổi, thảo luận các vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu khả thi các định hướng phát triển về hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối để tạo thêm động lực cho phát triển toàn vùng

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã báo cáo khái quát về công tác phối hợp giữa các địa phương, trong đó tập trung vào tiến độ thực hiện các dự án kết nối vùng giữa TP.Hồ Chí Minh và các địa phương; các tiềm năng phát triển thương mại, du lịch, giao thông đường bộ, đường thủy trên lưu vực sông Đồng Nai; đề xuất định hướng quy hoạch sông Sài Gòn; hợp tác phòng, chống khai thác cát trái phép…

 Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu khai mạc hội nghị

Các đại biểu cũng nêu ý kiến về định hướng kết nối đường sắt giữa các địa phương trong vùng, cần phát triển tuyến metro kết nối các địa phương bên cạnh các tuyến đường vành đai, cao tốc để tạo thêm động lực phát triển giữa các địa phương…

  Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh cho biết, ngay trong qúy I-2024, Bình Dương đã tập trung phối hợp phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam bộ, nhất là các dự án giao thông liên kết vùng được tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt, toàn diện các dự án cao tốc, vành đai thuộc quản lý của Trung ương nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư. Tỉnh Bình Dương dự kiến bố trí hơn 33.000 tỷ đồng cho các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tỉnh Bình Dương cũng đã nhiều lần thống nhất với các địa phương giáp ranh các điểm kết nối giao thông, đồng thời góp ý trực tiếp trong quy hoạch các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh. 

  Ông Võ Văn Minh chia sẻ thêm, Bình Dương thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics nghiên cứu, ứng dụng và xây dựng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, 4 và hướng đến mức độ 5 logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp. 

 Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ bảo vệ môi trường góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cụ thể, tỉnh thường xuyên phối hợp với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ xử lý vấn đề môi trường tại các vùng giáp ranh như: Xử lý ô nhiễm lưu vực kênh Ba Bò, suối Nhum, suối Xuân Trường, suối Cái..; phối hợp quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với việc khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng với tỉnh Tây Ninh...

Ông Võ Văn Minh cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả trong công tác kết nối hợp tác, phát triển đã được lãnh đạo tỉnh Bình Dương quan tâm, chú trọng nhằm phối hợp kịp thời với các địa phương, qua đó bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của vùng.

Cụ thể, đối với dự án Vành đai 3, tỉnh đang khẩn trương lập, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh bổ sung các nhánh nút giao Tân Vạn và 2 cầu song hành tại cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn trong Dự án thành phần 5. Sau khi hoàn thiện phương án, tỉnh kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh thống nhất và trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hiện nay tỉnh Bình Dương không có nguồn cát san lấp do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng. Do đó, tỉnh kiến nghị các địa phương quan tâm hỗ trợ nguồn nguyên vật liệu này nhằm đảo bảo tiến độ dự án.

Đối với dự án Vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh, tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm có văn bản thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương về vị trí khớp nối cầu Thủ Biên giữa 2 địa phương. Đối với dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tỉnh kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh sớm triển khai 1,65km đường dẫn cao tốc trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nhằm khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc. Đồng thời, tỉnh kiến nghị tỉnh Bình Phước sớm triển khai đầu tư đoạn 7,1km qua địa bàn để đồng bộ với đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (dự kiến khởi công vào tháng 9-2024); kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 nhằm sớm nâng cao hiệu quả khai thác vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn.

 Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội nghị và triển khai công tác qúy II-2024

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các địa phương trong vùng và sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đồng bộ với các định hướng chung của vùng; đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...

Minh Duy