Bình Dương triển khai khẩn cấp phòng chống bão lụt
Sơ đồ hướng đi của áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão số 13
Bão diễn biến phức tạp, nguy hiểm!
Đã lâu lắm rồi khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây mới lại đặt trong tình trạng khẩn cấp trước bão lụt như hiện tại. Có thể thấy mức độ nghiêm trọng của cơn bão số 13 từ chính cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) quốc gia với tất cả các tỉnh, thành từ Đà Nẵng vào đến Kiên Giang chiều 5-11. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 13. Đến 7 giờ ngày 7-11, bão số 13 có khả năng đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.
Sự nguy hiểm của cơn bão số 13 ở chỗ bão đi nhanh, tốc độ đến 25 - 30km/h. Cường độ bão cao, nhiều khả năng tâm bão đúng vào khu vực Nam bộ, nơi mà theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo PCBL Trung ương thì “Cơn bão này hết sức nguy hiểm vì đi vào vùng mà chính quyền và người dân không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với bão lụt. Nếu cơn bão đi vào đúng vị trí TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản nếu không kịp thời ứng phó”.
Cơn bão số 13 còn nguy hiểm ở chỗ là ập vào đất liền đúng vào thời điểm triều cường lên cao nhất trong năm. Như vậy, dù bão vào đất liền ở sức gió cấp độ nào cũng sẽ gây mưa cục bộ và kết hợp với triều cường sẽ gây lũ lụt rất bất ngờ. Chính vì thế, Ban chỉ đạo PCBL Trung ương yêu cầu các địa phương không thể lơ là, chủ quan trước cơn bão số 13. Nhất là ngay sau khi bão số 13 đổ bộ sẽ còn cơn bão số 14 có tên gọi Haiyan đang tiến vào biển Đông.
Không được chủ quan
Đó là ý kiến chỉ đạo lặp đi, lặp lại của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, Trưởng Ban chỉ huy Ban PCLB Bình Dương. Ngay trong ngày hôm qua, UBND tỉnh đã triệu tập các sở, ngành có liên quan cùng họp trực tuyến với Chính phủ. Cùng thời gian này, UBND tỉnh Bình Dương kịp thời phát công văn hỏa tốc Chỉ thị 15/CT-UBND. Theo đó, tất cả các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân toàn tỉnh phải tích cực, chủ động phòng chống lụt, bão. Mọi biện pháp phòng tránh phải được hoàn thành trước 13 giờ trưa nay để chủ động giảm thiểu nguy cơ rủi ro do thiên tai mang lại.
Như đã nói trên, bão số 13 đổ bộ đất liền đúng vào thời điểm triều cường dâng cao đạt đỉnh. Bình Dương nằm trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính. Nếu bão số 13 gây mưa lớn cục bộ với lượng mưa lớn nhiều khả năng sẽ gây lũ lụt lớn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cũng lưu ý, hiện nay Bình Dương có đến 5 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có hồ Dầu Tiếng với dung tích 7 triệu m3 nước, đang chứa 92% dung tích. Thêm nữa, Bình Dương cũng bị ảnh hưởng bởi rất nhiều hồ thủy điện khác như Thác Mơ, Sroc-phu-miêng, Trị An, Cần Đơn… nên Ban PCLB tỉnh cần bám sát lịch xả nước của các hồ kể trên để giảm thiểu thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam chỉ đạo: “Báo Bình Dương phối hợp cùng Đài PT-TH Bình Dương, Trung tâm khí tượng thủy văn Bình Dương và Trung ương kịp thời cập nhật thông tin của cơn bão để giúp người dân chủ động, ứng phó với bão lụt. Trong thời điểm này, nhân dân phải nâng cao cảnh giác trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 13”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ huy Ban PCLB tỉnh NGUYỄN MINH THỦY: Chủ động phòng chống để hạn chế thiệt hại
Cơn bão số 13 có tốc độ nhanh, cường độ lớn, quỹ đạo cao, diễn biến phức tạp và có thể gây ra những thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Ngay khi có các thông tin ban đầu về cơn bão, thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản thông báo, hướng dẫn đến các huyện, thị, thành phố triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống để ứng phó để có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Nông dân các địa phương cần phải đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan và nhanh chóng, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Với các hộ dân trồng cây ngắn ngày, nếu có thể thu hoạch được thì cần phải triển khai ngay việc thu hoạch. Các hộ nuôi thủy sản cần gia cố ao hồ, bờ bọng chống tràn; có biện pháp bảo vệ vật nuôi khi có mưa lớn kết hợp với triều cường. Các hộ nuôi cá bè trên sông cần phải có phương án chằng chéo để chống trôi trè; kiên quyết không để người ở lại trên bè. Với các trang trại chăn nuôi ở vùng trũng thấp, cần nhanh chóng di dời tài sản, vật nuôi đến khu vực an toàn trước khi bão vào.
Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh PHAN VĂN CHỨC: Cần theo dõi thường xuyên để chủ động phòng chống
Dự báo đến 13 giờ ngày 6-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 8, cấp 9 (từ 62 - 88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão sẽ tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Bắt đầu từ chiều 6-11, trên địa bàn tỉnh có mưa, trong các ngày tiếp theo sẽ có mưa to và rất to, kèm giông, sét cục bộ rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân không nên chủ quan và cần chủ động theo dõi thông tin của cơn bão nhằm thực hiện những biện pháp đối phó kịp thời. Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh sẽ liên tục cung cấp các thông tin một cách kịp thời để công tác triển khai phòng tránh, ứng phó đạt hiệu quả cao nhất.
K.VINH - H.BÌNH - C.SƠN