Bình Dương tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp – Kỳ 5
(BDO) Kỳ 5: Bảo đảm mọi người dân đều thụ hưởng thành quả tỉnh đạt được
Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tập trung nâng cao chất lượng, tăng quy mô nền kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý. Cụ thể hóa cho mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ - công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa; đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao. Tỉnh cũng sẽ giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, tới đây, người dân khu vực nông thôn trong tỉnh sẽ mua được những sản phẩm mình cần ngay tại quê nhà, không phải đến các đô thị lớn như trước đây. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại một tạp hóa ở chợ Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Ảnh: HOÀNG PHẠM
Đáp ứng tốt nhu cầu tại chỗ
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh đã được Chính phủ ph duyệt tại Nghị quyết số 78/NQCP ngày 19-6-2013. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 36 khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 13.500 ha (hiện nay toàn tỉnh đã có 28 KCN được triển khai). Ngày 28-1-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 173/TTg-KTN đồng ý điều chỉnh quy hoạch các KCN tại Bình Dương đến năm 2020, với diện tích đất tăng thêm là 5.600 ha, chủ yếu trải dài về khu vực phía bắc của tỉnh.
Hiện nay, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng đều có sự hiện diện của các KCN, cụm công nghiệp. Điều này đã giúp người dân ở nông thôn giảm bớt lệ thuộc vào nông nghiệp, theo xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh. Thực tế cho thấy, sự có mặt của các khu, cụm công nghiệp này đã giúp bộ mặt nông thôn của Bình Dương có sự chuyển biến rất rõ nét. Ngoài nhiệm vụ giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đi kèm của các khu, cụm công nghiệp ở đây như giao thông, y tế, giáo dục… cũng làm cho các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, người dân cũng tiện lợi hơn. Ông Trần Thanh Chiến, ở xã An Thái, huyện Phú Giáo chia sẻ, từ khi KCN Tân Bình trên địa bàn huyện ra đời, 2 người con của ông đã nghỉ làm công ty ở TX.Dĩ An, chuyển về làm cho các công ty khác ở KCN này. Nhờ đó, các con ông vừa không phải tốn tiền thuê nhà trọ, chi phí đi lại, lại an toàn hơn…
Để các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện phía bắc và khu vực nông thôn phát triển, những năm qua Bình Dương luôn quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, các thiết chế văn hóa… tại đây. Điển hình như ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, hạ tầng giao thông đã thông suốt với các tuyến đường liên ấp, liên huyện. Thương mại - dịch vụ của xã cũng đang phát triển khá nhanh; các điểm vui chơi giải trí phát triển lành mạnh. Đặc biệt, có đường giao thông thuận lợi đã giúp người dân trong xã dễ dàng lưu thông hàng hóa nông sản với các xã trong huyện và cả một số địa phương của tỉnh Bình Phước. Trong khi đó, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng đã được Sở Công thương thực hiện thường xuyên, giúp bà con nông dân tiếp cận với các loại hàng hóa chất lượng phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình...
Có thể nói, nhằm giúp người dân trong tỉnh đều thụ hưởng mọi thành quả mà tỉnh đạt được, chiến lược phát triển công nghiệp về khu vực phía bắc của tỉnh đã và đang mang lại những thành công bước đầu. Theo dự kiến, trong giai đoạn tới, tại tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh sẽ xây dựng và nâng cấp các bến xe hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, cũng như kết nối với các tỉnh, thành lân cận.
Phát triển kinh tế gắn liền với công bằng xã hội
An sinh xã hội chính là một trong những điểm sáng của Bình Dương so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, Chương trình nhà ở xã hội của tỉnh đã tạo ra tiếng vang lớn, giúp người có thu nhập thấp, công nhân có thể sở hữu nhà ở để an cư lạc nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 82 dự án nhà ở xã hội với hơn 85.000 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho gần 240.000 người. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên địa bàn được tỉnh thực hiện ngày một tốt hơn. Ngành chức năng của tỉnh cũng tiếp tục duy trì hiệu quả sàn giao dịch việc làm và các phiên chợ việc làm. Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương phấn đấu giải quyết việc làm mỗi năm cho 45.000 lao động, cùng với đó là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% vào năm 2020.
Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Bình Dương luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Có thể nói, sự tăng trưởng nhanh về kinh tế đã giúp cho Bình Dương có điều kiện thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách xã hội. Thực tế cho thấy, các chính sách xã hội luôn được tỉnh chú trọng, đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế; gắn với những chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, các đối tượng chính sách xã hội của tỉnh luôn được chăm lo tốt hơn, có mức hưởng cao gấp 2 - 3 lần ngưỡng bình quân của cả nước, còn an sinh xã hội gấp 2 lần. |
Đối với công tác triển khai các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của tỉnh cũng nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân và tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia. Riêng về chính sách xã hội cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện khá đồng bộ, đầy đủ và chất lượng. Đặc biệt, tỉnh luôn chăm lo tốt đời sống của các mẹ Việt Nam anh hùng. Trong 5 năm qua, tỉnh còn xây tặng hơn 1.300 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương trị giá hơn 41 tỷ đồng... cho các đối tượng chính sách.
Theo UBND tỉnh, nhằm chuẩn bị cho sự phát triển toàn diện của địa phương, trong thời gian tới sẽ có nhiều công trình về y tế, văn hóa, giáo dục... từ thành thị đến nông thôn trong tỉnh được xây dựng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến tỉnh sẽ có thêm 69 công trình trung tâm văn hóa, khu văn hóa, nhà văn hóa, khu vui chơi, thể thao…; diện tích tăng thêm là 143,6 ha so với hiện nay. Cùng với đó, đất công trình công cộng, cây xanh được tỉnh quy hoạch với diện tích gần 469 ha.
Bình Dương sẽ xây thêm 5 bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện lao – tâm thần, Bệnh viện nhi và Bệnh viện ung bướu; 4 trung tâm y tế gồm: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm dinh dưỡng tỉnh và Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; cùng với đó là 50 cơ sở y tế tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng về giáo dục, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…sẽ được tỉnh thực hiện đồng bộ từ nông thôn đến thành thị nhằm bảo đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của tất cả người dân trong tỉnh...
Lãnh đạo huyện Phú Giáo cho biết, thời gian qua lĩnh vực thương mại - dịch vụ của địa phương tăng trưởng khá. Các sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống của người dân hiện đều có mặt đầy đủ tại các xã trong huyện. Tuy vậy, đối với chợ trung tâm tại thị trấn Phước Vĩnh hiện đang quá tải, sẽ khó đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong thời gian tới. Huyện đang kêu gọi đầu tư hệ thống siêu thị hiện đại trên địa bàn để giúp người dân tiện lợi hơn khi mua sắm, không phải về TP.Thủ Dầu Một hay TP.Hồ Chí Minh mua sắm rất tốn kém.
PHÙNG HIẾU
Kỳ cuối: Tạo nền tảng phát triển đô thị bền vững