Bình Dương thu hút đầu tư logistics xanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng hiện đại

Thứ hai, ngày 15/04/2024

(BDO) Với sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, Bình Dương được coi là mảnh đất rất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp logistics. Hiện nay, dịch vụ logistics thông minh là một trong những ngành được Bình Dương quan tâm và thu hút đầu tư.

Thu hút hệ sinh thái logistics xanh

Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, đến nay tỉnh Bình Dương đã vươn mình phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu hết sức to lớn, đáng tự hào trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. 

Hội thảo “Bình Dương: Hệ sinh thái logistics và thương mại điện tử hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu”

Riêng đối với ngành dịch vụ logistics, những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cộng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.

Đến nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Bình Dương ưu tiên thu hút nguồn lực xanh để phát triển logistics

Bình Dương xác định phát triển logistics hướng đến liên kết vùng. Theo đó, Bình Dương định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực,

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương (WTC Bình Dương) - thành viên Hiệp hội Logistics Bình Dương, cho biết Bình Dương đã và đang đa dạng hóa các loại hình logistics, phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông giao thông - vận tải; đưa Bình Dương trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng. 

Đến nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu. 

Trong đó, Bình Dương chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ logistics, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có, nghiên cứu phát triển các dịch vụ chất lượng cao trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật tạo thành chuỗi logistics liên hoàn. 

Trong thời gian tới, Bình Dương tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ chuyên môn về logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đây cũng là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, khẳng định với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh về phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu/cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và khoa học - công nghệ của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. 

Trong đó, ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong tương lai. 

Trong thời gian tới, Bình Dương cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực logistics theo hướng chú trọng kỹ năng số hóa, quản lý chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của các nhà đầu tư logistics đến Bình Dương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bình Dương đã đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển ngành logistics sẽ trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng chính của toàn ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh; đến năm 2050 phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của toàn vùng và khu vực phía Nam, liên kết trực diện ra quốc tế với 5 nền tảng giá trị cơ bản, gồm: Hệ thống kho bãi đa dạng và sẵn sàng cho các loại hàng hóa khác nhau từ ngành công nghiệp và thương mại điện tử. 

Hạ tầng giao thông đa phương tiện, kết nối xuyên suốt đến các tỉnh, thành và các cảng hàng không, cảng biển trong khu vực. Vận chuyển nhanh chóng và linh hoạt với các loại phương tiện vận chuyển đa dạng, dành cho các loại mặt hàng khác nhau. Tự động hóa và số hóa quy trình thông qua việc ứng dụng công nghệ mạng lưới “vạn vật kết nối”, AI trong vận hành và quản lý quy trình luân chuyển hàng hóa, kiểm soát lộ trình. Hệ thống giám sát thông minh trong quá trình vận chuyển.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam khẳng định Bình Dương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư lĩnh vực logistics

“Với mục tiêu và định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics như trên, Bình Dương rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan và nhất là ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh lĩnh vực logistics trong và ngoài tỉnh, kinh nghiệm hữu ích, quý báu cùng những sáng kiến, giải pháp ưu việt, phù hợp giúp giải quyết vấn đề và áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả. 

Qua đó giúp Bình Dương xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh, sớm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên biên giới, hiện đại với các dịch vụ chất lượng cao”, ông Nguyễn Văn Dành cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dành khẳng định Bình Dương cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Hiện Bình Dương quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực… Bên cạnh đó, Bình Dương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics...

Bình Dương cũng hỗ trợ, bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics một cách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp ngành dịch vụ logistics thành trụ cột tăng trưởng chính của ngành thương mại - dịch vụ và sớm đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ chất lượng cao.

TIỂU MY

Từ khóa: