Bình Dương: Thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động, đình công

Thứ hai, ngày 26/03/2018

Phải đơn giản hóa thủ tục đình công; trong thực hiện Luật Phá sản; tăng cường cơ chế đối thoại; tăng cường công tác tuyên truyền… chính là những giải pháp để giải quyết thành công một vụ tranh chấp lao động (TCLĐ) và đình công (ĐC).

(BDO)  

 Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết trong 5 năm qua (từ 2013 đến năm 2017), tại 42/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 1.630 cuộc ngừng việc tập thể và ĐC. Các cuộc ngừng việc tập thể và ĐC xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.Hồ Chí Minh xảy ra 360 cuộc, chiếm 22,09%; tỉnh Bình Dương xảy ra 373 cuộc, chiếm 22,88%; tỉnh Đồng Nai xảy ra 161 cuộc, chiếm 9,88%; các tỉnh, thành phố khác xảy ra 736 cuộc chiếm 45,15%. Đặc điểm của tất cả các cuộc ngừng việc tập thể đều không đúng trình tự pháp luật, mang tính tự phát, không do công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu của các cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ TCLĐ tập thể về quyền hoặc đan xen TCLĐ tập thể về quyền và lợi ích mà nổi bật là những nguyên nhân liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động (NLĐ) như nợ lương; không điều chỉnh lương tối thiểu; trả lương không đúng quy định, không theo hợp đồng lao động hoặc trừ thu nhập trái pháp luật; tăng định mức lao động để giảm tiền lương của NLĐ; vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nợ BHXH, không đóng BHXH, điều kiện lao động khắc nghiệt, ban hành nhiều quy định trái pháp luật, đối xử thô bạo...

 NLĐ Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam trình bày tâm tư nguyện vọng tại hội nghị NLĐ. Ảnh: THU THẢO

 

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, quá trình giải quyết TCLĐ, ĐC còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nội tại là vướng mắc từ chính quy định của pháp luật và từ các tổ chức, hoạt động công đoàn. Ông Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng thực tế hiện nay, hòa giải viên lao động (HGVLĐ) cấp huyện được thiết lập đủ ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng hoạt động hòa giải của HGVLĐ không hiệu quả. Nguyên nhân do số lượng HGVLĐ hoạt động kiêm nhiệm, số lượng quá ít so với số lượng NLĐ và doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Chưa kể năng lực, trình độ và kinh nghiệm của HGVLĐ còn hạn chế, chưa tạo được niềm tin cho cả NLĐ và người sử dụng lao động. Còn Hội đồng trọng tài đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành nhưng đến nay chỉ thụ lý giải quyết được 5 vụ TCLĐ tập thể về lợi ích. Nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn và hoạt động công đoàn ở nhiều doanh nghiệp còn rất yếu.

Nội dung thí điểm giải quyết TCLĐ, ĐC sẽ được triển khai theo hướng NLĐ không ngừng việc, đình công tự phát; giảm thiểu thời gian giải quyết, các bước giải quyết TCLĐ; bảo đảm quyền của NLĐ; giảm thiểu TCLĐ và ĐC; thực hiện quyền tổ chức và lãnh đạo đình công của công đoàn.

Từ thực tế đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chọn Bình Dương triển khai đề án “Thí điểm mô hình giải quyết TCLĐ và ĐC”. Mục đích của đề án là tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bên trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các cuộc ngừng việc, ĐC không đúng trình tự quy định của pháp luật xảy ra. Hướng dẫn NLĐ bày tỏ mong muốn, kiến nghị, bức xúc và thể hiện đúng mức, phù hợp với các quy định của pháp luật, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Xác định mô hình giải quyết TCLĐ phù hợp điều kiện thực tiễn; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả; giảm thiểu xung đột, thiệt hại về kinh tế cho các bên tranh chấp. Đề án sẽ được thực hiện thí điểm tại TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, các khu công nghiệp tỉnh. Mỗi địa phương, đơn vị sẽ chọn 2 - 3 doanh nghiệp để thí điểm. Thời gian thực hiện đề án từ tháng 4-2018 đến tháng 2-2019.

Để đề án này hiệu quả, những người có liên quan cho rằng, phải đơn giản hóa thủ tục đình công; phá rào trong thực hiện Luật Phá sản; tăng cường cơ chế đối thoại; tăng cường công tác tuyên truyền… Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho rằng, hiện nay Luật Phá sản chính là rào cản để giải quyết TCLĐ tập thể, ĐC. Bởi thủ tục giải quyết một vụ doanh nghiệp công bố phá sản còn phức tạp, gây khó cho các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết các chế độ cũng như an lòng NLĐ.

Có thể nói, thời gian qua Bình Dương đã làm rất tốt các giải pháp nên đã hạn chế tối đa các vụ TCLĐ tập thể, ĐC. Một trong những nguyên nhân đáng ghi nhận là cơ chế đối thoại ở các cấp, đến tận doanh nghiệp. Vì vậy, để giải quyết nhanh một vụ TCLĐ tập thể, ĐC thì nhất thiết phải làm tốt công tác tuyên truyền. Đồng thời tiếp tục làm tốt cơ chế đối thoại. Ở từng doanh nghiệp không nên cần phải tổ chức hội nghị NLĐ mà cần có sự đối thoại kịp thời để nắm bắt kịp thời tình hình.

Ông Trần Văn Lý, Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, Bình Dương được lựa chọn thí điểm bởi có nhiều điều kiện phù hợp. Tổng LĐLĐ Việt Nam tin tưởng Bình Dương sẽ thực hiện thành công mô hình thí điểm này. Và từ những kiến nghị của Bình Dương, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng đề án thí điểm và tiếp tục lấy ý kiến để có được mô hình giải quyết phù hợp, chú ý phát huy vai trò của chủ tịch công đoàn cơ sở, sức mạnh của tập thể công nhân là sức mạnh của chủ tịch công đoàn cơ sở, của tổ chức công đoàn.

 THU THẢO