Bình Dương tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tách thửa

Thứ năm, ngày 12/04/2018

(BDO) UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1354/UBND-KTN ngày 3-4-2018 tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Ngày 27-9-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND về việc quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh và có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, người sử dụng đất gặp vướng mắc khó khăn liên quan đến khoản 3 Điều 4 của Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND về điều kiện tách thửa: “Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất ở, đất phi nông nghiệp hoặc tách thửa đất ở còn phải bảo đảm tại vị trí tách thửa đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) phù hợp với quy hoạch xây dựng, bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực”.

Trên cơ sở thống nhất của các ngành, địa phương và căn cứ tình hình thực tế, nhằm triển khai thực hiện tốt Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND tránh trường hợp phân lô, bán nền trái phép diễn ra trong thời gian vừa qua; đồng thời giải quyết các vướng mắc và bảo đảm các quyền của người sử dụng đất, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1354/UBND-KTN ngày 3-4-2018 tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, UBND tỉnh đã hướng dẫn cụ thể:

Về điều kiện cụ thể của việc tách thửa theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27-9-2017, trường hợp thửa đất tiếp giáp với đường do Nhà nước quản lý đã bảo đảm điều kiện đấu nối hạ tầng kỹ thuật theo một trong các quy hoạch xây dựng đã được duyệt (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn mới...) thì người sử dụng đất được phép tách thửa theo quy định. Trường hợp thửa đất tiếp giáp với đường do Nhà nước quản lý nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế hoặc kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn đã được phê duyệt để có ý kiến về việc tách thửa nhưng phải bảo đảm các thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu tiếp giáp đường giao thông, tuyến cấp điện sinh hoạt.

Về giải quyết nhu cầu tách thửa các trường hợp cá biệt, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hội đồng tư vấn xem xét giải quyết các trường hợp không bảo đảm các điều kiện theo quy định, như hộ gia đình, cá nhân thật sự có nhu cầu tách thửa đất để tặng cho phục vụ cho việc xây dựng nhà ở; tách thửa đất để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc xác định hoàn cảnh gia đình khó khăn do Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo xác nhận và chịu trách nhiệm; thửa đất tiếp giáp với đường do Nhà nước quản lý nhưng ngoài danh mục đường (đường hẻm, đường đất, đường chưa đặt tên...) và chưa có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh nhưng địa phương có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Các trường hợp cá biệt nêu trên phải bảo đảm thửa đất sau khi tách phải tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý và các tuyến cấp điện sinh hoạt, bảo đảm không ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng, mỹ quan đô thị và không gây ngập úng.

Về xử lý vấn đề liên quan đến việc mở đường mới, mở rộng đường hiện hữu tại các địa phương: Thống nhất việc hộ gia đình, cá nhân hiến đất để mở rộng đường giao thông mới và đường giao thông hiện hữu theo quy hoạch (do Nhà nước quản lý) để phục vụ cho việc đi lại của nhân dân trong khu vực nhằm góp phần giảm thiểu chi phí bồi thường, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường giao thông; giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thu hồi đất, việc thu hồi phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các trường hợp trước đây trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện đường giao thông nhưng thực tế có đường giao thông, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định cụ thể tính pháp lý của các tuyến đường giao thông này. Trước khi thể hiện đường giao thông trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có văn bản xác nhận đường giao thông do Nhà nước quản lý, việc đấu nối cơ sở hạ tầng phải theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (không thực hiện đối với các con đường tự mở để phân lô, bán nền). Đối với trường hợp hiến đất làm đường đi để chia thừa kế quyền sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng khi không bảo đảm các điều kiện quy định về việc chấn chỉnh các trường hợp phân lô, bán nền trái quy định trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết nhu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, UBND tỉnh thống nhất giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hội đồng tư vấn thẩm định các trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa của cấp huyện xem xét, có ý kiến đối với từng trường hợp cụ thể, nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị tại địa phương.

Về tách thửa trong các dự án tái định cư, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có liên quan thực hiện việc tách thửa theo đúng quy định tại Thông báo số 296/TB-UBND ngày 9-12-2013 của UBND tỉnh; Công văn số 2055/UBND-KTN ngày 26-6-2014 của UBND tỉnh về việc tách thửa trong các khu tái định cư và Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 27-9-2017 của UBND tỉnh về việc quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, ban hành các danh mục các tuyến đường, đoạn đường đủ điều kiện xem xét, giải quyết tách thửa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; danh mục các tuyến đường, đoạn đường phải được Hội đồng tư vấn cấp huyện xem xét cho phép tách thửa; Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo…

P.V