Bình Dương tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực

Thứ năm, ngày 25/07/2024

(BDO) UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển cây ăn quả chủ lực, ngành hoa, cây cảnh, sản xuất rau an toàn và ngành chế biến rau quả đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm phấn đấu đạt mục tiêu trên 40% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; thu hút 1-2 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh. Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh phân bố vùng nông nghiệp đô thị ở các thành phố, thị xã phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc, các điểm du lịch, diện tích đạt khoảng 500 ha.

Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 80%. Đến năm 2030, diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 13.000 ha, có 50 mã số vùng trồng được cấp cho cây ăn quả chủ lực của tỉnh; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20% tổng diện tích; trên 95% số mẫu rau, quả được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển cây ăn quả gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi dần sang nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tập trung đầu tư đồng bộ khoa học công nghệ, ứng dụng IPHM, liên kết sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây ăn quả chủ lực. Diện tích phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 10.600 ha vào năm 2025 và 13.000 ha vào năm 2030, trong đó định hướng phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 bao gồm: Cây có múi, cây măng cụt, cây sầu riêng, cây chuối…

Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh vào năm 2025 khoảng 380 ha; trong đó, vùng nông nghiệp đô thị khoảng 250 ha phân bố ở các thành phố, thị xã phía Nam và vùng nông nghiệp nông thôn khoảng 130 ha phân bố ở khu vực thị trấn của các huyện phía Bắc và các điểm du lịch. Đến năm 2030 diện tích dự kiến khoảng 500 ha.

Phát triển sản xuất rau có thể đạt khoảng 6.500 ha diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 105.00 tấn rau các loại vào năm 2025 và 7.800 ha gieo trồng, sản lượng 136.500 tấn vào năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử để phát triển đa dạng loại hình kinh doanh nông nghiệp, đáp ứng sự phát triển của công nghệ số phục vụ trong nông nghiệp; khuyến khích xây dựng, thiết lập vùng trồng lĩnh vực trồng trọt đối với rau, cây ăn quả đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP... Phát triển chế biến rau quả chủ lực, đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.

PHƯƠNG ANH