Bình Dương tăng tốc phát triển sau đại dịch Covid-19
(BDO) Trong 6 tháng đầu năm 2022, với sự nỗ lực khôi phục kinh tế sau cao điểm đại dịch Covid-19, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đều có những bước khôi phục ngoạn mục, với những chỉ số tăng trưởng khá trong cả nước.
Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Dòng chảy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục tăng làm sáng lên bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2022.
Nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin mạnh mẽ
Tổng Cục thống kê mới đây đã có công bố trong 63 tỉnh, thành, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước năm 2021, với 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Xếp ở vị trí thứ 2 là TP.Hồ Chí Minh với 6,01 triệu đồng/người/tháng; Hà Nội ở vị trí thứ 3 với 6 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Nhà máy dệt sợi may mặc Công ty TNHH Kyung Bang (Khu công nghiệp Bàu Bàng)
Tại Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã nhận định với tốc độ phát triển của Bình Dương thì thu nhập bình quân đầu người sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, trước hết là sự quyết tâm của tỉnh khôi phục sau đại dịch Covid-19.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với sự nỗ lực khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, của bộ, ngành Trung ương về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021; các hoạt động của đời sống xã hội đã trở lại trạng thái bình thường. Nhìn chung, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt được những kết quả nổi bật.
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục thống kê thông tin thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 417 doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến cho thấy có 38,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2022 tốt hơn so với quý trước; 37,9% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Tính từ đầu năm đến ngày 15-6-2022, số DN trong nước đăng ký kinh doanh mới là 3.309 DN, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng vốn đăng ký 21.257 tỷ đồng; số DN điều chỉnh tăng vốn là 777 DN, với tổng vốn tăng 18.533 tỷ đồng; số DN đăng ký quay trở lại hoạt động là 102 DN, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, 6 tháng qua toàn tỉnh có 124 DN đăng ký kinh doanh, điều chỉnh vốn, với tổng số vốn hơn 2,52 tỷ USD. Trong số này, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là 30 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước và 12 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 16,7 triệu USD. Đây là những tín hiệu tích cực làm sáng lên bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2022 và được DN, nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phục hồi khá, trị giá xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 19 tỷ USD (đạt xuất siêu hơn 6,1 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 133.300 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021...
Vốn đầu tư toàn xã hội tạo động lực phát triển
Tín hiệu phục hồi kinh tế nhanh của tỉnh sau cao điểm đại dịch Covid-19 không chỉ thể hiện sự tin tưởng tiếp tục “bơm vốn” của nhà đầu tư mà vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Vốn đầu tư toàn xã hội được xem là một trong những nhân tố quan trọng để duy trì, gia tăng năng lực sản xuất và nguồn lực để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội.
Để triển khai có hiệu quả các nguồn lực khôi phục kinh tế - xã hội trở lại bình thường mới, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát đề ra các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư; thành lập các tổ công tác theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm; tổ chức họp giao ban định kỳ với các đơn vị chủ đầu tư để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tỉnh đã chủ động liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh, thành trong cả nước để ký kết hợp tác cung ứng, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp, tạo việc làm tăng thêm cho 18.723 lao động.
Có thể nói, doanh nghiệp ổn định, mở rộng sản xuất đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, tạo thêm thu nhập cho lao động. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho toàn xã hội tăng mạnh cũng đã góp phần đẩy nhanh tiến trình khôi phục nhanh trên tất cả các lĩnh vực, đời sống xã hội trên địa bàn.
Kết quả hoạt động xuất khẩu là thành tựu nổi bật của tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2022. Kinh tế - xã hội cả nước diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông; hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phục hồi khá. Trị giá xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt gần 19 tỷ USD (đạt xuất siêu hơn 6,1 tỷ USD), trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,478 tỷ USD, kế đến là thị trường Liên minh châu Âu (đạt hơn 2,2 tỷ USD), Hàn Quốc, Nhật Bản đạt hơn 1,8 tỷ USD, Đài Loan đạt hơn 1,4 tỷ USD, Hồng Kông đạt gần 1,4 tỷ USD. |
Minh Duy