Bình Dương: Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước
(BDO) Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước rất dễ bị ô nhiễm nhưng khó phục hồi. Chính vì vậy, công tác bảo vệ tài nguyên nước và khoáng sản luôn được Bình Dương chú trọng thực hiện.
Cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản đang quan trắc mực nước dưới đất
Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện việc điều tra, thống kê, trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng để bảo vệ nguồn nước dưới đất và ban hành quy định vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất; quy định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Sau nhiều năm thực hiện, kết quả đã trám lấp 4.500 giếng hư hỏng không sử dụng và đã yêu cầu 203 tổ chức trám lấp 258 giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung tại các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất.
Ngoài ra, để bảo vệ tài nguyên nước, Bình Dương cũng đã thực hiện một số đề án nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá nguyên nhân, mức độ ô nhiễm nước dưới đất tại một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao trên địa bàn tỉnh để có giải pháp bảo vệ kịp thời; đã lập danh mục nguồn nước mặt cần lập hành lang bảo vệ. Việc quan trắc, giám sát nhằm cảnh báo, dự báo tài nguyên nước được duy trì thực hiện thường xuyên tại 36 công trình quan trắc nước dưới đất và 26 điểm quan trắc nước mặt.
15 năm qua, Bình Dương đã cấp 1.597 giấy phép hoạt động tài nguyên nước, 59 giấy phép hoạt động khoáng sản. Để thực hiện chính sách minh bạch trong thăm dò, khai thác khoáng sản, tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khoáng sản, Bình Dương đã ban hành quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên nước và khoáng sản; thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 1.034 tỷ đồng cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khai thác khoáng sản. Đồng thời, tình đến tháng 6 năm nay, các doanh nghiệp đã nộp 445,55 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch đấu giá, phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 6 mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, khoáng sản, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được Bình Dương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể Bình Dương đã xây dựng công trình “Trạm đo mực nước Tân Uyên” với nhiệm vụ đo mực nước, nhiệt độ nước và nhiệt độ không khí trên sông Đồng Nai thuộc địa phận Bình Dương, nhằm phục vụ dự báo cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình ven sông, phòng chống lụt bão và ứng phó với biến đổi khí hậu; đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2015, 2016-2020, 2021-2030.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về thích nghi vàứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện ởTX.Thuận An đạt được hiệu quảcao. Hơn 90% số người tham gia đã có nhận thức rõ về biến đổi khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu và làm sao để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác ứng phóvới biến đổi khí hậu, Bình Dương đang triển khai xây dựng Trạm thủy văn trên sông Sài Gòn, với vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý I-2019, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Cái chính trong thời gian tới là Bình Dương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra và đẩy mạnh việc tài chính hóa hoạt động tài nguyên nước, khoáng sản.
THU HỒNG