Bình Dương sớm trở thành trung tâm kinh tế vùng

Thứ ba, ngày 02/02/2016

(BDO) Mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị công nghiệp xanh - sạch - đẹp; là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và đầu mối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và Vùng TP.Hồ Chí Minh; xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020...


Giao thông được đầu tư đồng bộ đã giúp Bình Dương phát triển mạnh và trở thành là một trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong ảnh: Quốc lộ 13 đoạn đi qua TX.Thuận An. Ảnh:
PHƯƠNG LÊ

Phát huy vai trò trong liên kết vùng

Ngày 13-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐPN đến năm 2020, định hướng đến 2030. Quyết định này đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, phát triển Vùng KTTĐPN thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa... của cả nước và khu vực.

Bình Dương nằm trong Vùng TP.Hồ Chí Minh, đồng thời là Vùng KTTĐPN. Vùng TP.Hồ Chí Minh là vùng kinh tế phát triển rất năng động; vùng có ý nghĩa quan trọng của quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Trong các tỉnh giáp với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương có lợi thế phát triển nhất nhờ phía Tây có chung sông Sài Gòn, phía Nam có TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một là khu vực phát triển đô thị gắn kết với vùng lõi của TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, Bình Dương có vai trò quan trọng và mật thiết với sự phát triển của vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh hiện tại và trong tương lai.

Kinh tế luôn tăng trưởng ở mức cao

Trong những năm qua, nền kinh tế của Bình Dương luôn tăng trưởng ổn định và ở mức cao và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Thực hiện những chủ trương lớn của Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có cách làm sáng tạo, nhạy bén trong đường lối phát triển kinh tế để phù hợp với xu hướng chung của cả nước; coi kết quả hoạt động của ngành công nghiệp là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của cả tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương là một trong 4 tỉnh, thành của “Tứ giác hạt nhân” phát triển của Vùng KTTĐPN có vai trò rất quan trọng, tập trung phát triển công nghiệp. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp 60,3% - dịch vụ 37,3% - nông nghiệp 2,7%. Công nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định là ngành chủ lực, tốc độ tăng trưởng cao, từng bước phát triển theo chiều sâu và tạo động lực cho phát triển đô thị. Cụ thể, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 216.598 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2014. Trên địa bàn tỉnh có 21.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn là 157.000 tỷ đồng và 28 khu công nghiệp cùng 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000 ha, tỷ lệ lấp kín diện tích cho thuê các khu công nghiệp đạt 65%. Hiện Bình Dương đang chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Bình Dương cũng đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có trình độ sản xuất ở tầm quốc gia và khu vực, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Về thu hút đầu tư, trong năm 2015 Bình Dương đã thu hút được 18.242 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký kinh doanh, tăng 84% so với năm trước; gần 3,36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 2.587 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 23,7 tỷ USD. Trong khi đó, ngành dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong năm 2015 tăng 25,7% so với năm 2014. Năm qua, Bình Dương tiếp tục xuất siêu 3,7 tỷ USD.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tạo động lực góp phần để đến nay Bình Dương cơ bản trở thành một trung tâm kinh tế trong Vùng KTTĐPN.

Đầu mối giao thông vùng

Trong mối liên kết của quy hoạch phát triển Vùng TP.Hồ Chí Minh theo mô hình tập trung đa cực lấy TP.Hồ Chí Minh làm đô thị hạt nhân, hướng tới một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế thì Bình Dương được xem là địa phương có vai trò quan trọng trong việc kết nối, là cửa ngõ giao thương giúp gắn kết giữa lõi trung tâm là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành xung quanh.

Với mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020; một trong những đô thị văn minh, hiện đại, phát triển năng động, có sức lan tỏa lớn trong Vùng KTTĐPN, những năm qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đi trước một bước làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao thông nội tỉnh, kết nối với các đầu mối giao thông của quốc gia và các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐPN. Đặc biệt là những công trình thực hiện các chương trình đột phá của tỉnh. Cụ thể, quốc lộ 13 là “trục xương sống” giao thông theo hướng Bắc - Nam của tỉnh có vai trò kết nối giữa TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước; đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước; đường vào Trung tâm Chính trị hành chính tập trung bảo đảm liên kết giữa các khu vực trong tỉnh với trung tâm Thành phố mới Bình Dương, các trung tâm huyện, thị, khu dân cư, khu công nghiệp... tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa từ mỗi đô thị trong vùng đến các thị trường tiêu thụ bản thân nội vùng và liên vùng với khu vực bên ngoài được rút ngắn giúp tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, các đô thị trong vùng được tăng sức cạnh tranh với các khu vực khác và thu hút được đầu tư của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐPN, Bình Dương có vai trò quan trọng là tỉnh đầu tiên có chiến lược phát triển dài hạn và bài bản trong hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị. Nhờ vào chiến lược đột phá xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng mà giao thông là một đòn bẩy phát triển đã giúp Bình Dương trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh và là một trong 4 trụ cột không thể thiếu trong Vùng KTTĐPN.

Bình Dương hiện đang được đánh giá là một tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Từ một địa phương có mức độ đô thị hóa chỉ 20% vào năm 1990, đến năm 2015 đã đạt 82%. Đô thị Thủ Dầu Một cùng với Vũng Tàu, Biên Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng KTTĐPN.

 

PHƯƠNG LÊ