Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương:

Bình Dương sẽ sớm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, chuyển biến nặng

Thứ hai, ngày 02/08/2021

(BDO)

GS-TS Nguyễn Lân Hiếu

 - Thưa GS-TS Nguyễn Lân Hiếu, xin ông cho biết tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay?

- Qua khảo sát thực tế và thăm các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chúng tôi được biết hiện tỉnh có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ trong tổng số các ca mắc trong đợt dịch bệnh thứ 4. Theo thống kê, toàn tỉnh có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và đang xây dựng phương án điều trị lên 20.000 giường.

Hiện tỉnh đang triển khai mô hình điều trị “3 tầng” nhằm giảm số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong và giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh. Cụ thể, đối với F0 nhẹ, không triệu chứng tỉnh bố trí tại các cơ sở có điều kiện vật chất bảo đảm, đủ bác sĩ, điều dưỡng và các xét nghiệm cơ bản. Nhóm F0 này sẽ được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến. Qua khảo sát nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì đến thời điểm này chưa có tỉnh, thành phố nào làm tốt công tác chăm sóc F0 ở tầng 1 như Bình Dương, cụ thể là các bệnh viện dã chiến trực thuộc Tổng Công ty Becamex IDC.

Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, Chính phủ làm mô hình điển hình cho cả nước thực hiện. Tuy nhiên, trong công tác điều trị, Bình Dương phải củng cố, đặc biệt là ở tầng 2 và tầng 3. Tầng 2 là ở các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố điều trị F0 có triệu chứng nhẹ. Những F0 có triệu chứng nặng cần chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị ở tầng 3, trong đó có 200 giường hồi sức tích cực (ICU).

Về nhân lực, trang thiết bị, máy móc điều trị tại các cơ sở điều trị, tỉnh đã có 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng, 166 người hỗ trợ nhân viên y tế với tổng cộng 581 người. Với số lượng nhân lực này thì đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà đang chịu áp lực rất lớn trong công tác thu dung điều trị. Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm tư tình cảm của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, chúng ta có thể thấy lực lượng y tế, công an, quân đội đang tràn đầy nhiệt huyết, không kể thời gian, sức lực, sự vất vả, thiệt thòi mà “lao” mình vào chống dịch. Điều đó làm tôi rất cảm động.

- Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, Bình Dương cần củng cố tầng 2 như thế nào, thưa GS-TS?

- Tầng 2 và tầng 3 là những tầng điều trị bệnh nhân có triệu chứng. Đây là tầng yếu nhất không chỉ riêng Bình Dương mà là điểm yếu của rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước bởi lý do tầng 2 là tầng cấp huyện. Trước đây, khi chưa có dịch, các tỉnh, thành không chú trọng nhiều đến điều trị, cấp cứu bệnh nhân nặng ở cấp này mà chuyển viện nên tầng 2 là tầng yếu nhất và cần củng cố nhất. Tầng này cần phải tăng cường trang thiết bị, đặc biệt là máy HSNO, máy thở không xâm lấn, oxy bồi và đặc biệt không được để thiếu hụt oxy. Làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.

Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera. Trước đó, các chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có buổi tập huấn cho các bác sĩ là trưởng khoa, giám đốc trung tâm y tế, giám đốc bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nắm vững chuyên môn khi nào thì chuyển bệnh nhân lên tầng 3, khi nào chuyển bệnh nhân về tầng 1. Nguyên tắc của các tầng là không chuyển bệnh nhân quá sớm nhưng cũng không được chuyển quá muộn để bệnh nhân chuyển biến nặng. Hy vọng với các tài liệu đơn giản, dễ hiểu mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cấp phát thì các bác sĩ tầng 2 sẽ có sự kết nối chặt chẽ với tầng 3, tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.

- Xin GS-TS cho biết về kế hoạch thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương?

- Hiện Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có quyết định xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng do tôi làm giám đốc với quy mô 500 giường (200 máy thở). Dự kiến trong khoảng 1 - 2 tuần nữa, trung tâm có thể đưa vào hoạt động. Khi đưa vào sử dụng, Trung tâm ICU này sẽ là cơ sở điều trị bệnh Covid-19 hiện đại, đầy đủ máy móc, trang thiết bị để điều trị bệnh nhân nặng của Bình Dương và có thể hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận.

Hiện nay chúng tôi đang có 10 chuyên gia, bác sĩ hồi sức, cấp cứu, gây mê, tim mạch và 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng cử vào để hỗ trợ cho Bình Dương. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ điều động thêm chuyên gia y tế đến. Tuy nhiên, Bình Dương cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực, đào tạo y, bác sĩ, cán bộ chuyên ngành hồi sức, chống nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh ngay trong lúc có dịch, mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế sớm hoàn chỉnh trung tâm này. Dự kiến xưởng khởi nghiệp trường Đại học Quốc tế Miền Đông (thành phố mới Bình Dương) sẽ là nơi xây dựng Trung tâm ICU với quy mô 500 giường.

Trung tâm ICU điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của Bộ Y tế tại Bình Dương là tâm huyết của Bộ Y tế, của ê kíp chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và cũng là tâm huyết của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Với việc thiết lập Trung tâm ICU này cùng với 8 Trung tâm ICU khác ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, tôi hy vọng tỷ lệ bệnh nhân tử vong của Bình Dương nói riêng và của cả nước nói chung sẽ giảm sâu, thấp hơn tỷ lệ tử vong bình quân của các nước. Đây là mục tiêu thứ hai của nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh mà Chính phủ, Bộ Y tế đã đề ra trong đợt dịch bệnh này. Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự quyết tâm của các lực lượng và đội ngũ y, bác sĩ, Bình Dương sẽ hoàn thành tốt 2 mục tiêu là sớm khống chế dịch bệnh và giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.

- Xin cảm ơn GS-TS!

VỚI VIỆC THIẾT LẬP TRUNG TÂM ICU NÀY CÙNG VỚI 8 TRUNG TÂM ICU KHÁC Ở CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG NAM BỘ, TÔI HY VỌNG TỶ LỆ BỆNH NHÂN TỬ VONG CỦA BÌNH DƯƠNG NÓI RIÊNG VÀ CỦA CẢ NƯỚC NÓI CHUNG SẼ GIẢM SÂU, THẤP HƠN TỶ LỆ TỬ VONG BÌNH QUÂN CỦA CÁC NƯỚC.

KIM HÀ (thực hiện)

Từ khóa: