Bình Dương sẽ sớm đạt chuẩn đô thị loại I

Thứ tư, ngày 27/08/2014

(BDO) Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Chương trình hướng tới mục tiêu sau năm 2015 đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I, để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một góc Thành phố mới Bình Dương Ảnh: Q.CHIẾN

 Hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng

Qua 3 năm thực hiện Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011- 2015, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh từng bước được nâng lên, đã cơ bản đạt 14/18 tiêu chí chương trình đã đề ra; trong đó có một số tiêu chí đạt và vượt so với tiêu chí của chương trình và đạt tiêu chí đô thị loại I. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo tiêu chí đô thị loại I là ≥9%, ước đến ngày 1-8-2014, Bình Dương đã đạt 14%. Đối với tiêu chí quy mô dân số toàn đô thị, ước đến ngày 1-8-2014 Bình Dương đã có hơn 1,7 triệu người, trong khi tiêu chí đô thị loại I là 1 triệu người.

Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực tế cho thấy, nếu như năm 2011 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh là 65% thì đến nay đã lên đến 81,86% loại 1. Bên cạnh đó, diện tích sàn nhà ở bình quân của tỉnh đến nay là 22,16m2/người (tiêu chí đô thị loại I là ≥15m2/người)…

Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện Chương trình phát triển đô thị, tỉnh đã triển khai lập một số đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị - nông thôn, cùng quy hoạch các khu chức năng, nông thôn mới, hạ tầng kỹ thuật… Thời gian qua, tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển KT-XH. Cùng với đó, chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch xây dựng cũng ngày càng tiến bộ.

Một thuận lợi trong quá trình phát triển đô thị là UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020. Bên cạnh đó còn có Quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Bến Cát, đô thị Nam Tân Uyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng các đô thị Bàu Bàng, Tân Thành, Bến Súc, Long Hòa, Minh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao Ảnh: Q.CHIẾN  

Từ năm 2011 đến nay, tổng số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của tỉnh đã được phê duyệt là 113 đồ án và tỉnh đang triển khai lập 36 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Ông Tài cho biết thêm, hiện nay Bình Dương đã triển khai và thực hiện lộ trình nâng cấp các đô thị Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên theo quy hoạch các đơn vị hành chính của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện tương đối hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Các công trình trọng điểm, dự án lớn của chương trình, các dự án nhà ở xã hội đã được tỉnh triển khai đầu tư xây dựng; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao. Tính đến thời điểm này tỉnh đã thực hiện ước đạt khoảng 40% kế hoạch mà chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2011- 2015 đề ra.

Khắc phục hạn chế

So với các tiêu chí đô thị loại I, Bình Dương còn 4 tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đạt thấp, gồm: tiêu chí đất giao thông nội thị so với đất nội thị (mới đạt 22% so với tiêu chí đô thị loại 1); tiêu chí đất cây xanh đô thị (mới đạt 13%); tiêu chí nước thải sinh hoạt nội thị được thu gom và xử lý (mới đạt 25%) và tiêu chí chất thải rắn nội thị được thu gom và xử lý (mới đạt 88,2%).

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, một số chương trình, công trình trọng điểm về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội triển khai còn chậm do đang trong giai đoạn lập dự án hoặc thiếu vốn đầu tư. Trong triển khai lập quy hoạch đô thị, vẫn còn một số đồ án chất lượng thấp, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu mới đạt 54,76% so với tiêu chí đô thị loại I. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mặc dù không gian đô thị Bình Dương đã được mở rộng, khu đô thị mới (thành phố mới Bình Dương) đang được xây dựng nhưng chưa có bản sắc riêng nhằm tăng cường tính hấp dẫn, tính cạnh tranh cho toàn đô thị Bình Dương. Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối vào hệ thống giao thông hướng tâm vùng TP.HCM chưa tốt nên thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; việc đầu tư xây dựng bộ phận kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ đã gây ngập úng cục bộ tại các đô thị phía Nam của tỉnh. Đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng kịp thời với tình hình phát triển và nhu cầu xã hội hiện nay…

Theo ông Nguyễn Thành Tài, do suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến công tác điều hành, quản lý nhà nước. Vì vậy, một số chỉ tiêu chương trình phát triển đô thị của tỉnh trong thời gian qua nhìn chung đạt chưa cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp, tập trung chỉ đạo của các ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa đồng bộ trong tổ chức triển khai thực hiện một số công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội; công tác nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, quản lý sự phát triển đô thị...

Để đô thị phát triển mạnh trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu chương trình phát triển đô thị đã đề ra, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ như: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2011- 2015 đề ra, làm tiền đề tiếp tục phát triển cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020); rà roát, điều chỉnh các quy hoạch; đồng thời triển khai ý tưởng phát triển Bình Dương - đô thị xanh gắn kết công nghiệp sạch… Ông Tài cho rằng, để nâng cao 4 tiêu chí hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế cần thực hiện các giải pháp như: Triển khai dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương; sớm đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo. Tỉnh cũng cần phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ, khu mua sắm theo hướng hiện đại…

 PHƯƠNG LÊ