Bình Dương quyết liệt chỉnh trang, cải tạo các khu dân cư tự phát
(BDO) Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, tỉnh đã không ngừng thực hiện chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang khu dân cư tự phát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Khu dân cư tự phát tại TP.Thuận An
Tập trung cải tạo, nâng cấp
Nhiều năm qua, Bình Dương đặc biệt chú trọng công tác chỉnh trang, cải tạo, nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tỉnh đã đẩy mạnh huy động nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các khu dân cư trong đô thị và nông thôn, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt, cấp nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, viễn thông. Các đô thị đã được nâng loại đảm bảo theo các tiêu chí của đô thị. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 1 đô thị loại II (Dĩ An), 3 đô thị loại III (Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát) và 5 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 85%.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chất lượng đô thị chưa tương xứng với tốc độ phát triển của tỉnh và nhu cầu an cư của người dân. Trên thực tế vẫn còn nhiều khu dân cư, khu nhà ở, khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh còn manh mún, tự phát với hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ và chưa được đầu tư hoặc đầu tư nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định.
Trong đó kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là những tuyến đường ngõ hẻm tại các đô thị và nông thôn, các tuyến đường liên xã, liên đô thị với quy mô mặt đường nhỏ và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đi kèm chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải sinh hoạt, cấp điện sinh hoạt, chiếu sáng, cáp viễn thông...
Tại buổi khảo sát hiện trạng một số khu dân cư tự phát trên địa bàn 3 thành phố: Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu mỗi huyện, thành phố phải thực hiện điểm cải tạo, chỉnh trang 1 khu dân cư, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra. |
Đa số những khu dân cư tự phát trên địa bàn tỉnh là những khu phân lô có từ trước năm 2014, diện tích mỗi khu phân lô tự phát rộng từ 3-6 hecta. Đến nay, hầu hết các khu phân lô đã xây dựng nhà, nhiều hộ dân đang sinh sống ổn định. Điểm đáng chú ý là các khu dân cư tự phát được xây dựng trên đất nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước, đường giao thông, chiếu sáng không có hoặc có nhưng không đảm bảo quy định. Tuy nhiên, hiện nay việc chỉnh trang, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang gặp nhiều khó khăn; nguyên nhân là do quy hoạch sử dụng đất không phù hợp, nguồn vốn để chỉnh trang rất lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng đường gặp phải nhiều khó khăn do diện tích đất đa phần từ 60m2 trở xuống, khi thu hồi đất làm đường người dân sẽ phải phá dỡ công trình…
Lãnh đạo tỉnh và UBND TP.Thuận An khảo sát thực tế tại khu nhà ở khu phố 1B, đường An Phú 13, phường An Phú, TP.Thuận An
Hiện trên địa bàn TP.Dĩ An có 362 khu nhà ở tự phát. Đến nay, thành phố đã nghiệm thu phương án hạ tầng để chỉnh trang 21 khu và đã cấp sổ 15 khu với 567 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại TP.Tân Uyên, riêng phường Tân Vĩnh Hiệp có 23 khu nhà ở tự phát với tổng diện tích trên 116 hecta và 1.321 hộ dân.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Vĩnh Hiệp, TP.Tân Uyên cho biết: “Để đảm bảo công tác chỉnh trang đô thị, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân trong các khu tự phát không được xây dựng, cơi nới, đặc biệt là không được thay đổi hiện trạng. Phường đã tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm ngay từ đầu”.
Ông Nguyễn Hoàng Thao khảo sát hiện trạng một số khu dân cư tự phát trên địa bàn TP.Tân Uyên
Phát triển đô thị theo hướng bền vững
Bình Dương đang triển khai xây dựng nghị quyết về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn đến năm 2030 nhằm tạo sự thống nhất và nâng cao vai trò chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương trong việc chú trọng tổ chức đầu tư, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn. Trong đó, nghị quyết có nội dung về chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, nhà trọ chưa đạt chuẩn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu tái thiết đô thị - nông thôn, phát triển đô thị theo hướng bền vững.
Tỉnh hướng đến hoàn thành 100% các ngõ hẻm tại các khu vực đô thị hiện hữu và các điểm dân cư nông thôn được xây dựng kế hoạch và giải pháp hiệu quả, tổ chức đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Các tuyến đường ngõ, hẻm tại các khu vực đô thị, khu vực kết nối từ trung tâm cấp huyện đến trung tâm cấp xã đảm bảo các quy định tối thiểu hoặc có giải pháp phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, nhựa hoặc bê tông hóa, có hệ thống cấp thoát nước, thoát nước mưa, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, trồng cây xanh bên đường. Các địa phương phát động nhân dân đầu tư xây dựng các tuyến đường nông thôn thành đường kiểu mẫu, đảm bảo bề mặt đường đạt tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy hoạt động…
Khu dân cư tại khu phố Tân Hiệp, phường Tân Bình, TP.Dĩ An
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tỉnh đang xây dựng nghị quyết về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn đến năm 2030 nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Việc chỉnh trang đô thị, nhất là các khu phân lô tự phát có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, việc chỉnh trang gồm 2 nội dung: thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu nhà ở tự phát và cải tạo chỉnh trang các tuyến đường hẻm, đảm bảo hạ tầng thiết yếu. “Đối với những khu dân cư có tuyến đường hẻm thông với đường liên khu vực, hiện các địa phương đang vướng quy định khi thực hiện chỉnh trang (bắt buộc phải dài 5,5m mới được cải tạo). Để gỡ vướng, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định giao địa phương quyết định theo quy mô từng dự án và điều kiện thực tế của từng địa phương để áp dụng. Về nguồn lực thực hiện cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư tự phát sẽ theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm để đảm bảo hạ tầng tối thiểu", ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết.
“Để thực hiện tốt công tác cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư tự phát, yếu tố đồng thuận của người dân rất quan trọng. Mong muốn của người dân tại các khu dân cư là được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, các đơn vị, địa phương cần gỡ khó về thủ tục pháp lý khi chuyển mục đích sử dụng đất của các khu dân cư để giải quyết vướng mắc, đáp ứng mong muốn và tạo sự đồng thuận của người dân”. (Ông Bùi Minh Trí, Bí thư Thành ủy Tân Uyên) |
Phương Lê - Hoàng Phong