Bình Dương phát triển diệu kỳ
(BDO) Sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, gần 30 năm đổi mới và hơn 18 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành địa phương phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Thành công này là tiền đề quan trọng để tiến tới thực hiện hoàn thành những mục tiêu quan trọng, đưa Bình Dương xứng tầm là thành phố công nghiệp trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Công nghiệp phát triển
Kế thừa và phát huy thành quả của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới. Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động sức mạnh tổng hợp để phát triển, Bình Dương đã đột phá về tầm nhìn và hướng đi. Nhờ đó, đến hôm nay bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đã hoàn toàn thay đổi, từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại hàng đầu của cả nước. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị cũng phát triển, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng thông thoáng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống, học tập và làm việc của người dân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công nghiệp làm nền tảng đưa Bình Dương phát triển vượt bậc như hôm nay. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (đứng trước); ông Trần Văn Nam (thứ tư từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham quan nhà máy sản xuất lốp radial của Công ty Casumina. Ảnh: T.MINH
Đạt được kết quả như hôm nay là nhờ trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn kết với quá trình đô thị hóa. Nhờ vậy, nếu như năm 1997 tỉnh mới có 6 KCN với diện tích 600 ha tập trung hầu hết ở phía nam của tỉnh thì đến nay, tỉnh đã có 28 KCN và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 10.000 ha, được phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ hạ tầng KCN hiện đại, bài bản kết hợp với hạ tầng KT-XH của tỉnh bảo đảm, trong thời gian qua Bình Dương đã thu hút hơn 18.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 136.510 tỷ đồng và 2.440 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 20,8 tỷ đô la Mỹ.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng hoàn thiện, cùng sự trọng thị và quan tâm của chính quyền, dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương là điểm đến được ưu tiên chọn lựa. Nói như ông Park Jin Ku, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương: “Môi trường đầu tư của tỉnh rất tốt, nhất là hạ tầng các KCN hiện đại và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư FDI vào Bình Dương luôn tăng mạnh trong thời gian qua”.
Hình mẫu của tư duy đổi mới
Nhìn nhận từ thực tế, có thể nói, Bình Dương là tỉnh đi tiên phong trong thu hút vốn đầu tư, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo dựng một không gian kinh tế có sức hút lớn. Trong định hướng phát triển, Bình Dương đã tạo dựng được triết lý riêng phù hợp với điều kiện của địa phương bằng chuỗi giá trị công nghiệp - dịch vụ - đô thị và chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Với hướng đi này, đến nay Bình Dương đã phát triển vượt bậc, các chỉ tiêu kinh tế đạt được cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập tỉnh. Cụ thể, đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 187.531 tỷ đồng, tăng gần 46,9 lần; tổng mức bán lẻ và kinh doanh dịch vụ đạt 103.493 tỷ đồng, tăng hơn 34 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,74 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 49 lần; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng, tăng gần 39,2 lần; tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%, tăng 3,4 lần so với năm 1997.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, nói đến Bình Dương nhiều người cảm thấy rất tự hào, bởi nơi đây đã viết nên những trang sử vàng trong những năm kháng chiến, hôm nay tiếp tục viết lên kỳ tích bằng bức tranh xán lạn trên bản đồ kinh tế. Từ những vùng đạn bom cày xới ngày nào giờ công nghiệp đã “nở hoa” với những thành tựu rực rỡ. Tác động của công nghiệp làm diện mạo kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh như thay áo mới, đô thị phát triển khang trang; qua đó góp phần đưa đời sống người dân đổi thay nhanh chóng, đạt mức thu nhập bình quân 61,2 triệu đồng trong năm 2014.
Nhìn nhận về thành quả của Bình Dương có rất nhiều ý kiến, nhưng đúc kết lại có thể nói, Bình Dương là hình mẫu của tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Từ một tỉnh kinh tế khó khăn, Bình Dương đã có những chính sách đột phá trong thu hút vốn, nhân tài, phát huy nội lực như “chiêu hiền đãi sĩ”, “trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư nước ngoài”…, kết hợp với khai thác tối đa vị trí thuận lợi của tỉnh là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ giao thương với TP.HCM. Từ đó, Bình Dương đã nhanh chóng vươn lên, trở thành điểm sáng trong phát triển của cả nước. Thành quả này là tiền đề quan trọng để Bình Dương viết tiếp những thành công, hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
* Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bình Dương áp dụng chính sách không địa phương nào nghĩ tới
Vào thời điểm năm 1997, khi vừa tách tỉnh, Bình Dương đã áp dụng một chính sách được coi là “lạ lùng” mà không địa phương nào nghĩ tới: “Xin cơ chế, không xin tiền” với triết lý rõ ràng: Để tỉnh phát triển được thì cần cơ chế thị trường thông thoáng, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tốt hơn là những ưu đãi “xin - cho”. Mục tiêu chủ yếu của việc “xin cơ chế” không có gì khác hơn là Trung ương cho chính quyền tỉnh một cơ chế điều hành thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho chính quyền tỉnh “có quyền được phục vụ doanh nghiệp tốt hơn”.
* Giáo sư Đặng Hùng Võ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Bình Dương đạt được thành công khá ấn tượng
Trong thời kỳ vừa qua, Bình Dương đã đạt được những thành công khá ấn tượng. Cụ thể, Bình Dương đã đi theo hướng đô thị hóa gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở động viên hiệu quả vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau gắn với cải cách thể chế quản lý nhằm tạo thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Nhờ vậy, Bình Dương đã trở thành nơi thu hút vốn đầu tư khá mạnh trong và ngoài nước.
* Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính: Tận dụng tốt 3 yếu tố quan trọng
Công nghiệp Bình Dương tăng trưởng nhanh đã làm thay đổi căn bản bộ mặt của tỉnh. Sở dĩ có thành tựu to lớn như vậy là có 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong cải cách hành chính về thủ tục, về áp dụng các chính sách mạnh mẽ trong thu hút đầu tư. Thứ hai là tỉnh tận dụng tốt về địa kinh tế của mình với lợi thế ở gần TP.HCM, Vũng Tàu... Thứ ba là Bình Dương đã tận dụng đúng lợi thế về hội nhập quốc tế, thu hút vào tỉnh một lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để góp phần phát triển kinh tế.
TRỌNG MINH