Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm logistics khu vực phía Nam

Thứ hai, ngày 04/11/2024

(BDO) Trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), Bình Dương xác định logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển, trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng chính của ngành thương mại - dịch vụ tỉnh nhà; phấn đấu đến năm 2050 trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam.

 Vận tải đường sắt đóng góp tích cực vào hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của Bình Dương. Trong ảnh: Lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên xuất khẩu dừa sang Trung Quốc tại Ga liên vận quốc tế Sóng Thần

Phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm

Đến nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng, gồm: 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 cảng cạn (ICD) và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS (địa điểm thu gom hàng lẻ) phục vụ tốt hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, cho biết với lợi thếvềvịtríđịa lýcùng kết cấu hạ tầng đồng bộ, sựphát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, Bình Dương được coi lànơi hấp dẫn các doanh nghiệp logistics. Ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của Bình Dương, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.

Mới đây, tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần (TP.Dĩ An), Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp cùng Công ty Cổ phần FADO i E x p o r t (FADO) tổ chức lễ công bố chuyến tàu đầu tiên đưa dừa tươi xuất khẩu sang Quảng Châu, Trung Quốc. Lô hàng gồm 3 container dừa tươi với trọng lượng 67,5 tấn, trị giá hàng hóa khoảng 220.000 nhân dân tệ được vận chuyển sang Quảng Châu với thời gian toàn trình là 7 ngày. Ông Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FADO, cho biết: “Qua nghiên cứu các phương thức vận chuyển đường bộ, đường biển, đường hàng không và đường sắt, chúng tôi nhận thấy đường sắt là một phương thức vận chuyển hiệu quả hơn cho doanh nghiệp về chi phí, thời gian, đồng thời có tính ổn định cao, nhất là phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. Hơn nữa, vận chuyển bằng đường sắt còn mở ra khả năng xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác như Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp”.

Tại lễ công bố, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cho biết Ga liên vận quốc tế Sóng Thần không chỉ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương mà cho cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vì khi hàng hóa đến ga này sẽ được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hoàn tất các thủ tục hải quan. Điều này giúp cắt giảm được nhiều chi phí, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, tạo ra cơ hội để các tỉnh trong vùng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng nông sản.

Ngành khoa học và công nghệ góp sức

Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu và đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua Đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là đề tài). Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, đề tài đã tập hợp cơ sở lý luận về hệ thống logistics bền vững; phân tích thực trạng và xây dựng dự báo để làm căn cứ đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách. Đề tài có thể làm tài liệu tham khảo cho các tỉnh, thành khác trong khi chuẩn bị thực hiện đề tài phát triển logistics, qua đó tăng cường tính liên kết vùng và liên ngành trong lĩnh vực logistics.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết các nội dung đề xuất của đề tài đã được Sở Công thương vận dụng đưa vào dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, từ những định hướng của đề tài, Sở Công thương đã vận dụng, đề xuất đưa vào “nhiệm vụ 6 - nghiên cứu phương án phát triển vận tải và logistics” trong Quy hoạch tỉnh.

Thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chủ hàng có thể tham khảo áp dụng những đề xuất, giải pháp của đề tài vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, gia tăng thuê ngoài dịch vụ logistics từ các chủ hàng. Theo đánh giá của Sở Công thương, đề tài đã đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời đề xuất các vị trí trung tâm logistics tiềm năng, theo hướng chú trọng đánh giá tác động môi trường đối với sự hình thành và phát triển của các trung tâm logistics cũng như hạ tầng giao thông - vận tải, qua đó góp phần để cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ ra quyết định phù hợp.

 Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần giai đoạn 2025-2030. Sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ