Bình Dương nỗ lực sản xuất sạch, phát triển xanh
(BDO) Nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bình Dương đã có những bước đi mạnh mẽ thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050, chủ động đưa năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp (DN). Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, góp sức xây dựng một tương lai bền vững.
Xây dựng thị trường tín chỉ carbon
Sáng 18-1, Tổng Công ty Becamex IDC phối hợp cùng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”. Tham dự có bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban ngành và hơn 200 DN.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”. Ảnh: MINH DUY
Phát biểu tại hội thảo, bà Susan Burns cho rằng biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức toàn cầu. Việt Nam nổi lên là trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực, logistics cũng phát triển mạnh, đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề môi trường. Do đó cần có giải pháp tốt hơn cho các khu công nghiệp, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sản xuất xanh sẽ giảm diện tích xây dựng, chi phí sản xuất cho các DN, góp phần mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, chung tay cho công cuộc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu…
* Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, sinh thái, bền vững, lấy bền vững làm trọng tâm, đưa nền công nghiệp đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. * Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh: Các công ty Hoa Kỳ luôn tìm những nguồn năng lượng sạch để tham gia quá trình sản xuất. Các nhà máy phải mạnh mẽ trong việc áp dụng, thay đổi công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Áp dụng năng lượng mặt trời áp mái, giảm phát thải cho các khu công nghiệp, tiết kiệm năng lượng. Hội thảo là cơ hội để các DN Bình Dương có thể tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất xanh, sạch. |
“Việt Nam là quốc gia dễ chịu tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển. Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có sự hợp tác mạnh mẽ trong việc triển khai các giải pháp để thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là sản xuất xanh và sạch. Hội thảo có sự tham gia của các DN hàng đầu Hoa Kỳ là cơ hội để giới thiệu công nghệ sản xuất xanh, sạch đáp ứng trong các ngành sản xuất”, bà Susan Burns nêu vấn đề.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia, diễn giả cũng đã thảo luận sôi nổi, đồng thời đề ra những bước đi quan trọng trong tiến trình sản xuất của DN trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe từ các tổ chức, cơ quan bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Trong đó vấn đề chứng chỉ trung hòa carbon đang là tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội cho DN, người dân có thể tham gia bán những tín chỉ carbon cho các DN sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề bán tín chỉ carbon cần phải có một hành lang pháp lý, những quy định rạch ròi để tạo thuận lợi cho tất cả các bên tham gia. Từ đó thúc đẩy một thị trường tín chỉ carbon phát triển lành mạnh, nhiều tiềm năng cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh
Chia sẻ về xu hướng phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp xanh, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC đã giới thiệu mô hình khu công nghiệp sinh thái hiện được đơn vị tập trung xây dựng, chú trọng mảng cây xanh có thể trung hòa carbon, thay những cấu trúc bê tông bằng những công trình gần gũi với môi trường thiên nhiên, cùng hệ thống hồ chứa nước mưa, vừa tạo cảnh quan vừa cân bằng môi trường sinh thái. Becamex IDC cũng đã có bước đi quan trọng khi thành lập Công ty Năng lượng PV Power (Becamex - VSIP Power) để chủ động trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, đưa nguồn năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời đến các nhà máy tại khu công nghiệp. Cùng với đó triển khai kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh tại các khu công nghiệp đến năm 2030.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Hùng Dũng cho rằng, các quốc gia đang ngày càng hành động nhanh hơn, đã nhận thấy được vấn đề, đặc biệt là trong câu chuyện năng lượng. Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra tại COP26 là đạt được Net-Zero vào năm 2050. Mục tiêu này được đánh giá là rất thách thức, nhưng mặt khác lại là cơ hội lớn để quốc gia đang phát triển có thể chuyển đổi sang nền sản xuất phát thải carbon thấp, thích ứng với quá trình biển đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững. Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết, Bình Dương đã và đang gặt hái được những kết quả từ mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hướng tới mô hình công nghiệp thông minh, sinh thái, trên nền tảng triết lý phát triển “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp và các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế, cơ hội tài trợ xanh nhằm thúc đẩy tính bền vững trong các ngành sản xuất. Các đại biểu cũng thảo luận về các công nghệ năng lượng sạch hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng và các giải pháp khử carbon.
MINH DUY