Bình Dương nghiên cứu quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá

Thứ năm, ngày 31/10/2024

(BDO) Cùng với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Bình Dương đang tiếp tục phối hợp điều tra, nghiên cứu việc thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá tại tỉnh.  


Học sinh tiểu học tại TP.Bến Cát sinh hoạt dưới cờ tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử 

Nhiều kết quả đáng ghi nhận 

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp nhằm giảm tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng và đã đạt được những kết quả tích cực. Điển hình trong thực hiện môi trường không khói thuốc, năm 2023, Bình Dương có 97,9% đơn vị đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế đơn vị. Hầu hết các địa điểm cấm hút thuốc đã có nội quy, treo biển “cấm hút thuốc lá”. 

Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng được một số mô hình như: cơ quan không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc, trường học không khói thuốc... Qua đó, các hoạt động đã góp phần kéo giảm tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại công cộng, nơi tập trung đông người. 

Tại trường học, thực hiện môi trường không khói thuốc, Ban Giám hiệu nhà trường đã hưởng ứng tích cực công tác này và triển khai rộng khắp đến các thầy cô, tất cả học sinh, sinh viên. Hiện trước cổng trường, trong căn tin trường học không còn bán thuốc lá, 100% sinh viên, giáo viên không hút thuốc lá trong khuôn viên trường.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh và ngành y tế tỉnh còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp cho học sinh, sinh viên về tác hại thuốc lá, cấm hút thuốc lá tại nơi quy định cho các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng dân cư… 


Thuốc lá điện tử được thiết kế giống với hình hộp sữa 

Các chương trình của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh hướng đến mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Tỉnh cũng tiến tới giảm lượng người hút thuốc lá thụ động ở phụ nữ và trẻ em, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện “cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, khách sạn và nơi công cộng không khói thuốc lá”; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. 

Tiếp tục điều tra, nghiên cứu 

Trước đây, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh thực hiện đề tài “Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Qua điều tra khảo sát, 2.400 người dân tại 3 huyện, thành phố; 47 cơ quan, đơn vị; 30 địa điểm làm việc, nơi công cộng và phỏng vấn sâu 15 đại diện cơ quan, doanh nghiệp, trung tâm ghi nhận tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá là 18,4%; trong đó, nam giới là 35,8%, nữ giới là 0,9%. 

Tình trạng hút thuốc lá hằng ngày, cao nhất là nhóm tuổi từ 45-64 tuổi, chiếm 19,6%. Đối tượng có học vấn càng cao thì tỷ lệ hút thuốc lá hằng ngày càng thấp. Đặc biệt, nhóm học sinh tiểu học có tỷ lệ hút thuốc lá cao, chiếm 19,2%; sinh viên đại học hoặc sau đại học chiếm 5,4%; người làm nghề tự do có tỷ lệ hút thuốc lá hằng ngày cao hơn các nghề nghiệp khác là 24,2%. 


Hưởng ứng phòng chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Bình Dương 

Trung bình người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh hút 2,1 điếu/1 ngày, ở nam giới là 4,1 điếu/1 ngày. Tuổi bắt đầu hút thuốc lá trung bình là 25,2 tuổi. Thời điểm hút thuốc sau khi thức dậy, bắt đầu từ 6 giờ 30 phút chiếm cao nhất; có 42,2% đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về thuốc lá điện tử; 1,8% đối tượng đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và có 0,9% đối tượng đang sử dụng thuốc lá điện tử. 

50% đối tượng cho rằng thuốc lá điện tử có hại ít hơn thuốc lá truyền thống, 25% đối tượng cho rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống có hại như nhau. Trong khi đó lại có rất ít đối tượng nghiên cứu đã từng nghe về thuốc lá nung nóng và chỉ 1,9% đối tượng đã từng sử dụng.

Tỷ lệ phơi nhiễm với thuốc lá cao nhất là tại các địa điểm công cộng, đặc biệt ở quán bar, vũ trường, quán cà phê, nước giải khát, nhà hàng. Đây là những nơi có tỷ lệ người phơi nhiễm với thuốc lá cao nhất so với các địa điểm công cộng khác. 

Tỷ lệ người có dự định bỏ thuốc là 42%, tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc có cố gắng bỏ thuốc trong 12 tháng qua là 35,1%, trong đó tỷ lệ đối tượng có tiếp cận dịch vụ y tế được khuyên bỏ thuốc là 82,2%, số ngày bỏ thuốc trung bình là 163,8 ngày. Nơi mua thuốc lá gần đây của những người hút thuốc lá nhà máy chủ yếu là siêu thị, ki ốt (78,7%), nhãn hiệu thuốc lá chủ yếu nằm ngoài danh mục các loại thuốc lá phổ biến chiếm 65,9%.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch “Phối hợp nghiên cứu thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá tại Bình Dương”. Theo đó, từ ngày 15 đến 30-10, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương (TP.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng) thực hiện công tác nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu gồm phỏng vấn sâu và nghiên cứu định lượng. Các cán bộ, nhân viên tiến hành quan sát, phỏng vấn sâu tại 300 cửa hàng bán lẻ thuốc lá tại TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng gồm: cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, xe đẩy có địa chỉ cố định, quán cà phê - giải khát - nhà hàng - quán nước. Cùng với việc quan sát, phỏng vấn cửa hàng, các cán bộ, nhân viên thực hiện nghiên cứu còn phỏng vấn sâu 300 chủ cửa hàng hoặc nhân viên (nếu không gặp chủ) về việc thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá. 

  Kim Hà - Quỳnh Trang