Bình Dương: Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới - Bài 1
(BDO) Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã quyết định ban hành Nghị quyết số 20-N Q/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Nghị quyết như làn gió mới để KTTT cả nước nói chung và của Bình Dương nói riêng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. |
Bài 1: Điểm sáng từ những hợp tác xã
Thời gian qua, KTTT của Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô, được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của các hợp tác xã (HTX). Tính đến nay, toàn tỉnh có 218 HTX với hơn 46.900 thành viên, vốn điều lệ hơn 791 tỷ đồng; trong đó xuất hiện ngày càng nhiều HTX làm ăn có hiệu quả, trở thành điểm sáng về KTTT của tỉnh.
Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ đã được cấp chứng nhận VietGAP và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hệ thống siêu thị Co.op Mart, nâng cao giá trị sản phẩm
Từ chủ trương đúng
Nghị quyết số 20-NQ/TW, đánh giá: Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, khu vực KTTT có những chuyển biến tích cực. Khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhận thức về phát triển KTTT, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.
Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đánh giá sau 20 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, mô hình HTX của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều.
Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu...
Những hợp tác xã điển hình
Một trong những HTX điển hình, ăn nên làm ra phải kể đến HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên). Đến với Tân Mỹ, bạt ngàn một màu xanh của cam, bưởi... Được biết, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ có 22 thành viên với tổng diện tích 62 ha, tổng vốn điều lệ 4 tỷ đồng. HTX đang trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới. HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hệ thống siêu thị Co.op Mart nâng cao giá trị sản phẩm của HTX. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 3,8 tỷ đồng/năm, trên tất cả các sản phẩm.
Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, cho biết HTX chính thức ra đời năm 2015 với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương, từ thủ tục pháp lý đến phương hướng hoạt động. Anh Sang kể, Luật HTX năm 2012 mới có hiệu lực, HTX cũng là mô hình khá mới mẻ và bị ảnh hưởng của những HTX của thời kỳ bao cấp. Vì vậy, lúc đầu khi thành lập HTX, nhiều người và thậm chí bản thân anh cũng e ngại, sợ không quản lý được. Tuy nhiên, dám nghĩ, dám làm và HTX Cây ăn quả Tân Mỹ đã có được thành công như hôm nay.
Để HTX bảo đảm hoạt động đúng định hướng, HTX có trách nhiệm thu mua và ổn định đầu ra sản phẩm. Lợi nhuận sẽ được phân bố đồng đều cho tất cả các thành viên. Ngoài ra, tại HTX Tân Mỹ, nguồn vật tư được phân bổ lại cho các thành viên không thu lợi nhuận. Trong quá trình chăm sóc, thành viên nào có cách làm hay thì phổ biến để các thành viên được cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Được biết, anh Sang cũng là 1 trong 100 nông dân của cả nước được bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Nhắc đến mô hình KTTT hiệu quả ở Bình Dương không thể không nhắc đến Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Các QTDND đã không ngừng phát triển về chất lượng và quy mô hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thu nhập ổn định của người lao động từ 10 - 12 triệu đồng/người/ tháng. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương. Trong đó, điển hình là QTDND An Thạnh (TP.Thuận An).
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc QTDND An Thạnh, cho biết quỹ luôn chủ động đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như không ngừng tăng trưởng khả năng tài chính, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động; luôn xem chất lượng công tác tín dụng là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động, thường xuyên tăng cường khâu khảo sát, thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Vì vậy, QTDND An Thạnh luôn là nơi uy tín của khách hàng.
HTX vận tải cũng là một trong những thế mạnh của KTTT của Bình Dương, điển hình là HTX Vận tải Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng). Được thành lập từ năm 2015, đến nay HTX Vận tải Bàu Bàng có 15 xã viên luôn gắn bó, đoàn kết, nỗ lực vì sự phát triển của tập thể.
Ông Mai Quốc Phong, Giám đốc HTX Vận tải Bàu Bàng, cho biết HTX hoạt động kinh doanh vận tải bằng đầu xe của xã viên. Xã viên hầu hết là người kiêm nhiệm lái xe đưa rước công nhân viên, chuyên gia của các công ty trên địa bàn. Để phát triển bền vững, ngoài việc bảo đảm quyền lợi, xã viên cần có sự đồng lòng, gắn kết.
Chia sẻ về lợi ích khi tham gia mô hình HTX, ông Phong nói: “Khi chưa tham gia vào HTX, hoạt động riêng lẻ, tôi phải đối mặt với không ít khó khăn như ít khách hàng, chủ yếu hợp đồng chạy du lịch, công việc không ổn định. Từ khi thành lập HTX, ký kết được hợp đồng với các công ty trên địa bàn huyện đưa rước công nhân viên, chuyên gia đã giúp HTX dần có thương hiệu, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, HTX cũng được ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT đã giúp HTX phát triển dần. Đến nay, HTX đã có khoảng 50 đầu xe các loại”.
Các mô hình KTTT làm ăn hiệu quả đã góp phần tạo động lực thúc đẩy các đơn vị KTTT khác khắc phục hạn chế, khó khăn, để phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới. (Còn tiếp)
Tại Bình Dương, ngay sau khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 12-CTHĐ/TU, ngày 22- 7-2002 để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; ban hành Chỉ thị số 20- CT/ TU ngày 4-10-2002 về việc củng cố, thành lập mới Ban Chỉ đạo KTTT ở cấp huyện và cấp xã; Quyết định số 429-QĐ/TU, ngày 19- 9-2002 về việc củng cố Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT tỉnh Bình Dương và ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình hành động... để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. |
THU THẢO