Bình Dương luôn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch
(BDO) Sáng 19-3, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Trung Quốc do Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc phối hợp cùng Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh; đại diện Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (CCB) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam. Tại các điểm cầu phía Trung Quốc có khoảng 200 nhà đầu tư Trung Quốc.
Toàn cảnh hội thảo xúc tiến đầu tư Trung Quốc tại điểm cầu Bình Dương
Hội thảo xúc tiến đầu tư Trung Quốc nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Qua đó kết nối, xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC với các nhà đầu tư Trung Quốc, hỗ trợ và kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN) thông qua công nghệ số…
Giới thiệu với các nhà đầu tư Trung Quốc, ông Mai Hùng Dũng cho biết trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,91%; GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng/năm (tương đương 6.500 USD); cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, duy trì và nâng cao giá trị nông nghiệp một cách hợp lý. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27,4 tỷ đô la Mỹ; kim ngạch nhập khẩu đạt 21,4 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ.
Bình Dương cũng tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đến nay, Bình Dương đã thiết lập mối quan hệhợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài, trong đó có thành phố Quảng Châu (Trung Quốc). Bình Dương là đối tác của 4 tổ chức hợp tác quốc tế đa phương. Là thành viên chính thức, là đối tác tin cậy của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), những năm qua Bình Dương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh và đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Liên tục trong 3 năm 2018, 2019, 2020, Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Trong chiến lược phát triển, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo” với quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh tỷ trọng dịch vụ, đặc biệt là thương mại điện tử, thương mại quốc tế với dự án tiêu biểu là Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương.
Ông Ngô Tuấn, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, đánh giá sự phát triển năng động của Bình Dương được cộng đồng DN Trung Quốc quan tâm rất lớn. Qua đó, cho thấy sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành đã góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và DN Trung Quốc hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hy vọng Bình Dương tiếp tục trở thành một địa phương năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, DN Trung Quốc.
Lũy kế đến cuối tháng 2-2021, tỉnh đã thu hút được gần 4.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 35,8 tỷ đô la Mỹ. Toàn tỉnh đã có 432 dự án đầu tư của các DN Trung Quốc với tổng số vốn trên 1,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 9 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Nếu tính chung cả các vùng lãnh thổ trực thuộc, tổng số dự án đầu tư của Trung Quốc tại Bình Dương là 1.515 dự án với tổng vốn đầu tư trên 8,8 tỷ đô la Mỹ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, linh kiện điện tử và các sản phẩm đồ điện gia dụng...
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành liên quan đã trả lời những quan tâm, thắc mắc của các DN Trung Quốc về cơ hội hợp tác, đầu tư tại Bình Dương như đầu tư nhà máy sản xuất thép, chi phí logistics, vận chuyển đường thủy, xây dựng nhà xưởng, kho bãi và quy hoạch phân khu tại các KCN… Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, khẳng định Bình Dương sẽ hạn chế và không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản (không tái tạo) không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bình Dương sẽ tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các DN trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế. Trung Quốc là quốc gia có nhiều thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ, mong các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới lĩnh vực này khi đến tìm hiểu đầu tư tại Bình Dương.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Mai Hùng Dũng mời các nhà đầu tư, DN, doanh nhân Trung Quốc đến với Bình Dương để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Tại đây, các nhà đầu tư sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về lợi thế, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư và các tiện ích về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện để phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Thời gian tới, việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục được Bình Dương coi trọng, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, dự án xanh... nhằm phát triển bền vững. Tỉnh đang nỗ lực những giải pháp sớm tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics và chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu, như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. |
NGỌC THANH