Bình Dương kịp thời cách ly ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn

Thứ hai, ngày 25/09/2023

(BDO) Chiều 25-9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông báo về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn. Theo đó, bệnh nhân là nữ, tạm trú tại huyện Bắc tân Uyên. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước đó (bệnh nhân L.V.T).

  Ngành y tế tỉnh Bình Dương họp khẩn, kịp thời cách ly điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn

Nhận được tin của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, ngay trong đêm 23-9, Sở Y tế đã thành lập đoàn do bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế đã xuống thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên xử lý ca bệnh, điều tra, giám sát, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường xung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân, tránh lây lan trong cộng đồng.

Trước đó, Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định. Bệnh nhân N. K.L dương tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ ngày 24-9-2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết: Hiện ngành y tế đã lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm mẹ và em gái ở cùng nhà trọ. Bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại Khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên.

Trước đó, ngành cũng sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức cho người dân, cộng đồng về các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước tình hình ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, để ứng phó dịch bệnh, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm: Ngành y tế đã có công văn đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân, cộng đồng về các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì và hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn đúng theo quy định. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp bệnh, các đơn vị khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Các đơn vị thực hiện nghiêm tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị, tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định. 

Các đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

- Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm từ người sang người khi:

+ Tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vết loét hoặc vảy đậu mùa ở khỉ

+ Tiếp xúc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào hoặc chạm vào bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị bệnh đậu khỉ

+ Ôm, xoa bóp, hôn; nói chuyện gần gũi qua các giọt đường hô hấp hoặc dịch miệng của người bị bệnh đậu mùa khỉ

+ Tiếp xúc các bề mặt được sử dụng bởi một người bị đậu mùa khỉ hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh như quần áo, giường, khăn tắm, dụng cụ ăn uống…

- Giai đoạn phát bệnh từ 2 đến 4 tuần:

+ Sau khi hạ sốt, xuất hiện phát ban tiến triển từ dát → sẩn → mụn nước → mụn mủ → lõm, đóng vảy → bong vảy. Có thể cùng xuất hiện ban ở nhiều giai đoạn khác nhau trên cơ thể

+ Nốt  ban phân bố từ mặt lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tổn thương cũng có thể xuất hiện trên màng nhầy, kết mạc, giác mạc trong miệng, trên lưỡi và trên cơ quan sinh dục;

+ Tổn thương có đường kính từ 0,5 - 1cm và số lượng từ một vài đến vài ngàn

Theo các nhà nghiên cứu khi quan sát từ ổ dịch ở châu Âu và Bắc Mỹ gần đây, những tổn thương bắt đầu từ vùng sinh dục; loét miệng rất thường gặp, có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và dẫn đến mất nước, suy dinh dưỡng; có thể xuất hiện viêm hầu họng, viêm kết mạc và viêm màng nhầy sinh dục.

Cách Phòng chống đậu mùa khỉ 

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Hoàng Linh