Bình Dương khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
(BDO) Để nông nghiệp đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Dương là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Trong lĩnh vực chăn nuôi, bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chăn nuôi, tỉnh nhà còn định hướng và hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi CNC trên đàn gia súc, gia cầm.
Trang trại chăn nuôi heo của chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: Q.NHIÊN
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu NNCNC do DN đầu tư với tổng diện tích gần 990 ha, trong đó có 3 khu trong lĩnh vực chăn nuôi gồm: Khu NNCNC Tiến Hùng, diện tích 78,5 ha do Công ty TNHH TM-SX Tiến Hùng đầu tư, tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên; trại gà CNC Ba Huân, diện tích gần 18 ha do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư, tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên; Khu chăn nuôi ứng dụng CNC do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đầu tư, tại xã Tân Hiệp và xã Phước Sang, huyện Phú Giáo với quy mô trên 470 ha. Các khu NNCNC này đều áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, hiện có trên 90% đàn heo, gia cầm trên địa bàn tỉnh được nuôi tập trung gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng được các ngành chức năng xử lý hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều sử dụng giống mới, hệ thống chuồng lạnh; sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động, hạn chế được dịch bệnh, giảm tiêu tốn thức ăn, chi phí lao động. Từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi và tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm
Theo Trạm Thú y và Chăn nuôi thủy sản huyện Bàu Bàng, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 130 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn hơn 2 triệu con, 156 trang trại chăn nuôi heo với gần 170.000 con. Nếu như trước đây, chủ yếu bà con chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình thì vài năm gần đây, nhiều cá nhân, DN đã đầu tư phát triển thành trang trại. Đây là hướng đi phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và của tỉnh.
Trang trại của ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Bến Sắn, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng được đầu tư từnăm 2011. Trang trại hiện có 6 dãy chuồng với diện tích 1.600m2/trại, nuôi 150.000 con gà gia công. Đầu tư đến cả chục tỷ đồng cho trang trại nên ông Hải không ngừng tìm kiếm, học tập cách làm mới vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế. Mỗi năm ông nuôi 4 lứa gà. Ông Hải cho hay, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, qua tìm hiểu, học tập, đầu năm 2015 ông đã đầu tư hệ thống cho ăn tự động tại trang trại chăn nuôi của mình. Công nhân chỉ theo dõi qua hệ thống báo số lượng thức ăn tiêu hao, đổ thức ăn vào bồn và máy tự động chia thức ăn đến từng máng. Nhờ đó, gà ông nuôi nhanh lớn, thức ăn không rơi vãi, công nhân không phải tốn công mang thức ăn vào tận chuồng.
Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương phấn đấu tăng giá trị ngành nông nghiệp bình quân 2,5%/năm. Trong đó, loại hình chăn nuôi được tỉnh ưu tiên là trang trại và DN với phương thức công nghiệp và bán công nghiệp ứng dụng CNC vào xây dựng chuồng, trại, dây chuyền thiết bị và công nghệ quản lý giống, thức ăn…
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định trong thời gian tới, không chỉ dựa vào việc khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên có giới hạn như đất, nước, số lượng lao động mà tỉnh cần khai thác hiệu quả từ việc ứng dụng CNC. Phải khẳng định rằng, khoa học và công nghệ được xác định là “vũ khí” rất lợi hại tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
QUỲNH NHIÊN