Bình Dương khéo làm dân vận - Bài 1
(BDO) Bài 1: Khéo từ các mô hình
Để huy động được sức dân vào các phong trào thi đua yêu nước, công tác vận động, tập hợp quần chúng phải được thực hiện qua những cách làm cụ thể, liên quan đến quyền lợi sát sườn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cái khéo trong công tác dân vận (CTDV) tại Bình Dương trước hết là đã biết nói và làm dân tin, dân nghe, dân hưởng ứng qua việc xây dựng được rất nhiều mô hình thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện mô hình chung sức xây dựng nông thôn mới, tuổi trẻ Bình Dương trong đội hình liên quân 3 màu áo tiên phong ra quân làm đường giao thông nông thôn tại xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng Ảnh: P.V
Thiết thực và lan tỏa
Có dịp đi khảo sát một vòng các tuyến phố, khu đô thị tại TX.Thuận An, một địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị mạnh mẽ, chúng tôi đã nhận thấy sức lan tỏa của những mô hình dân vận thiết thực. Thuận An với nền tảng phát triển công nghiệp (có Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore I, KCN Đồng An, KCN Việt Hương I và nhiều cụm công nghiệp khác), quá trình đô thị hóa nhanh, dẫn tới việc đang phải chịu áp lực khá lớn về hạ tầng do sự gia tăng dân số cơ học. Tác động dễ thấy là về môi trường, với lượng rác thải công nghiệp, sinh hoạt rất lớn. Vậy nhưng, nhờ xây dựng được các mô hình vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường (BVMT), các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn thị xã luôn xanh, sạch, đẹp. Năm 2008, Tổ tự quản BVMT khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, TX.Thuận An được chọn xây dựng làm điểm, đã vận động được 50 hộ dân tham gia. Không dựa vào ngân sách, tổ đã vận động người dân đóng góp kinh phí làm vỉa hè, trang bị thùng rác và mỗi hộ tự trồng và chăm sóc 1 cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan đường phố. Nhận thấy được ý nghĩa của công tác BVMT, người dân tích cực hưởng ứng, hiện mô hình đã được nhân rộng, toàn thị xã đã có hàng trăm Tổ tự quản BVMT, với hàng chục ngàn hộ gia đình tham gia.
Đặc biệt, Hội LHPN TX.Thuận An đã có các mô hình dân vận khéo gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” rất hiệu quả. Đến với An Sơn, xã nông thôn mới, là một điển hình trong thực hiện “5 không, 3 sạch” của TX.Thuận An, sự khác biệt của một “nông thôn trong lòng đô thị” rất rõ. Đó chính là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nơi đây. Từ “5 không, 3 sạch”, việc thu gom rác thải, vệ sinh môi trường đã trở thành nếp sống văn minh của các hộ gia đình trong xã, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Rõ ràng, phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự trở thành trọng điểm trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương này.
Trên 7.000 mô hình “Dân vận khéo”
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”. Vậy nên, không chỉ tại một khu phố trên địa bàn một thị xã, không chỉ ở một tổ chức đoàn thể, trên địa bàn tỉnh Bình Dương những năm qua đã xuất hiện rất nhiều các mô hình dân vận hiệu quả, có sức lan tỏa, lôi cuốn, tập hợp, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng. Đúng như chân lý, “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, từ các mô hình này, lực lượng quần chúng nhân dân đã được tập hợp, chung tay, góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Các mô hình “Dân vận khéo” xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương như phong trào thi đua giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp; thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ”, “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ để hội nhập kinh tế quốc tế”… được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân; góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đặc biệt, Bình Dương khởi đầu khá sớm so với cả nước về xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn với phong trào thi đua “Xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị” (được triển khai từ năm 1998). Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh để phấn đấu đến năm 2020, 100% các xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới…
Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống CTDV của Đảng (15.10.1930 -15.10.2016), trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cho biết một con số đủ sức nặng để khái quát hóa về những kết quả trong CTDV tại địa phương: Đến nay, Bình Dương đã xây dựng được trên 7.000 mô hình “Dân vận khéo”! Sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân là rất to lớn. Điều này cũng đã lý giải vì sao từ một xuất phát điểm thấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương lại có thể làm nên những “kỳ tích” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua… (Còn tiếp)
THÀNH SƠN - CAO SƠN