Bình Dương hướng tới thành phố thông minh

Thứ bảy, ngày 30/04/2016

(BDO) Bình Dương đang phấn đấu xây dựng địa phương trở thành thành phố thông minh. Có thể nói, đây là định hướng tạo sự phát triển bền vững cho tương lai. Bình Dương định hướng về một thành phố thông minh với mục tiêu tất cả đều phục vụ cho con người.

 
Ông Trần Văn Nam (bìa trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Thanh Liêm (thứ ba từ trái qua), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu dự án Thành phố mới Bình Dương cho bà Mary Ann Schreurs (thứ hai từ trái qua), Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven (Hà Lan)Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Thể hiện tầm nhìn xa

Theo các chuyên gia, Bình Dương là một tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp, với một số lượng có hạn của những nghiên cứu và phát triển đã được chuyển hóa ngày càng tốt hơn vào nền kinh tế trong những năm gần đây. Nhưng để phát triển bền vững và mạnh mẽ thì điều đó chưa đủ tốt. Thế giới ngày nay đòi hỏi Chính phủ, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu, ngành công nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhân viên và người dân trong khu vực cần có được sự thông minh và ứng phó với những thay đổi. Khả năng thích ứng và hợp tác là điều căn cơ và thiết yếu.

Sau nhiều lần tiếp xúc và làm việc giữa tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven (Hà Lan), giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) và Tập đoàn Brainport, các bên nhận thấy việc áp dụng những kinh nghiệm và hiểu biết của vùng Eindhoven trong việc ứng dụng mô hình kinh tế Kiềng ba chân/ ba nhà (Triple Helix): Nhà nước - trường viện - nhà doanh nghiệp (trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện) nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thu hút các tập đoàn, công ty đa quốc gia đầu tư tại Bình Dương trong thời gian tới.

Ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport (Hà Lan) cho biết, Bình Dương là tỉnh có những nét tương đồng với thành phố Eindhoven vì có cộng đồng doanh nghiệp lớn, có nhiều cơ sở đào tạo, nhiều trường học. Bình Dương cũng có các khu công nghiệp phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản, đường truyền cáp quang được chuẩn bị tốt, tạo điều kiện dễ dàng cho những phát triển sau này. Bình Dương tới đây trở thành một thành phố mới, chưa có những hạn chế nên có thể tích hợp công nghệ thông minh vào sự phát triển ngay từ đầu với chi phí thấp hơn so với một môi trường đã được xây dựng sẵn hoặc không hoạch định trước. Trong một thành phố thông minh, thông tin dữ liệu cần được tự do lưu chuyển.

Theo lãnh đạo Becamex IDC, sự hợp tác “ba nhà” đóng góp vào việc nhận biết trong tỉnh và khu vực, cũng như sự nhìn nhận của quốc gia, quốc tế về Bình Dương như là một tỉnh công nghệ, sáng tạo và cái nôi sản xuất. Điều này sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư và nguồn lao động tri thức đến Bình Dương. Những sáng kiến này cho thấy tầm nhìn, tiềm năng to lớn và sự phát triển trong tương lai của tỉnh và do đó có thể hỗ trợ cho việc thu hút đầu tư, kinh doanh các khu công nghiệp, các dự án khu dân cư, phát triển thành phố mới... Từ đó mang đến cho Bình Dương một vị thế mạnh mẽ hơn với các tỉnh lân cận và các mối quan hệ quốc tế.

Tất cả để phục vụ cho con người

Để hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh - một nơi đáng sống và làm việc, bên cạnh việc áp dụng các công nghệ thông minh thì yếu tố quan trọng hiện nay của tỉnh là cần chú trọng phát triển con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết, thực tế không có thành phố thông minh mà chỉ có con người thông minh. Thành phố thông minh liên quan đến sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, việc nắm bắt và sử dụng công nghệ mới là yếu tố làm nên thành phố thông minh chứ không phải bản thân công nghệ đó. Ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Brainport cho rằng, con người là khía cạnh thông minh nhất của bất kỳ thành phố nào và mang tầm ảnh hưởng nhiều hơn so với sự nhìn nhận chỉ là công dân sống trong thành phố. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng, thành phố cần phải chắc chắn nhận được ý kiến đóng góp và phản hồi từ “người sử dụng” - chính là công dân trong thành phố. Sau tất cả, đó chính là sự thông minh.

Tại Hội thảo “Bình Dương hướng tới thành phố thông minh: Cùng kiến tạo tương lai bền vững” được tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua, các đối tác Hà Lan và diễn giả cho rằng, thành phố thông minh là thành phố sẽ sử dụng các công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng cuộc sống và các tiện tích của người dân; nâng cao sự giao tiếp và tương tác của người dân với các cơ quan nhà nước; sử dụng các giải pháp thông minh để giảm chi phí xã hội và tài nguyên tiêu thụ; cùng với đó quản lý hiệu quả năng lượng, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý. Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những biến đổi của khí hậu, với nhiều thách thức đòi hỏi chúng ta phải tìm đến môi trường xanh, xây dựng một tương lai xanh. Bà khẳng định, những thành phố thông minh là tương lai và chúng ta đều là một phần để tạo ra được thành phố thông minh này.

Còn theo bà Mary Ann Schreurs, Phó Thị trưởng thành phố Eindhoven, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về năng lượng, nước, giáo dục, hệ thống y tế, vấn đề cung cấp ánh sáng. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực vận động nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải thay đổi cách thức vận hành, phối hợp nhịp nhàng với nhau. Bà nhấn mạnh, tất cả dịch vụ suy cho cùng đều phải phục vụ hỗ trợ cho người dân. 

 Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Becamex IDC, các định hướng phát triển tầm nhìn 2016-2021 của tỉnh phải phù hợp trong bốn lĩnh vực: Con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng - môi trường đầu tư. Các yếu tố này không chỉ đóng vai trò đơn lẻ, mà còn đóng góp cho một Bình Dương sáng tạo hơn và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, để triển khai đề án thành phố thông minh, vào cuối tháng 6 tới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương sẽ có chuyến công tác đến thành phố Eindhoven (Hà Lan) để tổ chức hội thảo và gặp gỡ các đối tác kết nối cho đề án. Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 7 hoặc tháng 8-2016, Ban đề án sẽ có buổi báo cáo chính thức đề án mô hình 3 nhà Triple Helix, định hướng phát triển thành phố thông minh và sẽ ra mắt Hội đồng cố vấn đề án này.

 
Ông Nguyễn Văn Hùng thì khẳng định, thành phố thông minh là nơi phải được áp dụng công nghệ một cách thông minh để trở thành một nơi đáng sống, làm việc, học hành và vui chơi. Thành phố thông minh dùng phần mềm thông minh để tạo ra cho cư dân và doanh nghiệp những thông tin giá trị và dịch vụ chất lượng được số hóa từ dữ liệu thu thập; bằng cách này nó giúp chi phí sinh hoạt của cư dân tiết kiệm hơn, cuộc sống bền vững, an toàn và thoải mái hơn. Mục tiêu cuối cùng là thịnh vượng và hạnh phúc của người dân Bình Dương trong sự cân bằng với việc thiết lập và định vị Bình Dương là một thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới, sáng tạo và cái nôi sản xuất. Ông Hùng nhấn mạnh, việc trở thành một thành phố thông minh sẽ giúp Bình Dương thu hút những doanh nghiệp mới, nhiều cư dân đến sinh sống và làm việc, tạo một sự phát triển bền vững cho thành phố Bình Dương trong tương lai. 

 Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, việc tìm ra hệ thống công nghệ thông minh được xem như giải pháp nhằm giảm áp lực cho các vấn đề xã hội, môi trường tại các thành phố. Những giải pháp thông minh khi được vận hành đồng bộ sẽ tăng tính tương tác giữa người dân và các cơ quan nhà nước nhằm tạo thành một diễn đàn dân chủ, giải quyết nhiều vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống, hướng đến diện mạo thành phố mới đáng sống hơn.

 PHƯƠNG LÊ