Bình Dương hướng tới mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính
(BDO) Thành công từ mô hình phát triển kinh tế theo hướng quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã tạo tiền đề để Bình Dương đứng trước cơ hội vươn lên, trở thành một đô thị thông minh, hiện đại với những mô hình kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao. Song song với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, Bình Dương cũng không quên chú trọng tới những giá trị bền vững.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phước và nhóm nghiên cứu đề tài trình bày kết quả nghiên cứu với Hội đồng Khoa học tỉnh Bình Dương
Hiểm họa từ hiệu ứng nhà kính
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hiện thế giới đang đối mặt với 3 vấn đề lớn liên quan tới môi trường, gồm: Hiệu ứng nhà kính, phá hoại tầng ozon và mưa axit. Trong đó, hiệu ứng nhà kính hay là thuật ngữ dùng để chỉ hiệu ứng xảy ra khi năng lượng bức xạ của tia sáng mặt trời, xuyên qua các cửa sổ hoặc mái nhà bằng kính, được hấp thụ và phân tán trở lại thành nhiệt lượng cho bầu không gian bên trong, dẫn đến việc sưởi ấm toàn bộ không gian bên trong chứ không phải chỉ ở những chỗ được chiếu sáng. Hiệu ứng nhà kính làm cho không khí của trái đất nóng lên và tạo ra những ảnh hưởng xấu đến sự cân bằng, ổn định của hệ sinh thái trên trái đất.
Hậu quả của hiệu ứng nhà kính được đánh giá là rất nghiêm trọng. Theo đó, nó làm cho sinh thái biến đổi lớn với sự gia tăng khá nhanh về diện tích của các hoang mạc, sa mạc. Trong khi đó đất đai bị xói mòn, diện tích rừng bị thu hẹp theo tỷ lệ thuận với sự gia tăng của các hoang mạc, sa mạc. Đây là nguyên nhân chính khiến trái đất ngày càng nóng lên khiến băng ở Bắc cực tan chảy và có nguy cơ nhấn chìm nhiều vùng đất trù phú ven sông, ven biển trong tương lai.
Nói về những nguy cơ từ hiệu ứng nhà kính, từ thập niên 90 của thế kỷ trước các nhà khoa học đã tổ chức một hội thảo lớn tại Đại hội Liên hợp quốc (năm 1988) xác định rõ rằng khí CO2 (khí nhà kính) vẫn đang tiếp tục tăng, làm cho trái đất nóng lên, mặt nước biển dâng cao mang lại tai họa cho nhân loại và kêu gọi toàn thế giới cố gắng giảm CO2 thải ra. Ngay từ thời điểm đó, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng kêu gọi toàn cầu chung tay “bảo vệ khí hậu vì con người hiện nay và mai sau”.
Ngày nay, với việc các khu công nghiệp, khu đô thị với tỷ lệ bê-tông xi măng chiếm gần như tuyệt đối cấu trúc khuôn viên, những nguy cơ ấy lại càng rõ hơn bao giờ hết. Minh chứng rõ nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy là việc cao độ của thủy triều trên sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương đã tăng vượt mức 1,74m, cao hơn 0,4m so với cao trình mặt đê mà tỉnh xây dựng từ những năm 1998. Theo thống kê năm 2018, các chuyên gia đánh giá Bình Dương là một trong những địa phương có phát thải khí nhà kính (KNK) cao và cần có phương án ứng phó kịp thời.
Nỗ lực giảm thải
Với mong muốn xây dựng thành công đô thị thông minh, phát triển bền vững theo hướng hiện đại hóa, công nghệ hóa, Bình Dương đang thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu chiến lược. Trong đó có nỗ lực tìm phương án giảm thải KNK và những hiệu ứng nhà kính liên quan. Để có được phương pháp luận logic và khoa học, tỉnh đã giao Sở Khoa học & Công nghệ chủ động kết nối và tìm đầu mối thực hiện đề tài Nghiên cứu và đánh giá mức phát thải KNK trên đơn vị GDP tỉnh Bình Dương. Qua tìm kiếm, chọn lọc sở đã quyết định chuyển giao đề tài cho nhóm 13 thành viên các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với sự dẫn dắt của Chủ nhiệm đề tài - Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội Nước & Môi trường TP.Hồ Chí Minh thực hiện.
Sau 18 tháng nghiên cứu, khảo sát và tổng hợp dữ liệu về các nội dung liên quan đến hiệu ứng nhà kính và khí thải nhà kính, giáo sư Nguyễn Văn Phước đã có buổi trình bày nghiệm thu đề tài trong khuôn khổ nội bộ với Hội đồng Khoa học tỉnh. Tại đây, giáo sư Nguyễn Văn Phước đã nêu ra những số liệu chứng minh về sự gia tăng đáng kể của các tác dụng xấu từ hiệu ứng nhà kính và khí thải nhà kính; đồng thời đưa ra những giải pháp để giảm thiểu những nguy cơ môi trường sống bị xâm hại từ khí thải nhà kính.
Tại buổi thuyết trình nghiệm thu nội bộ, giáo sư Nguyễn Văn Phước cũng giới thiệu với Hội đồng Khoa học tỉnh công cụ tính mức phát thải KNK và hướng dẫn sử dụng. Theo đó, công cụ tính mức phát thải KNK được sử dụng trong báo cáo này dựa trên phần mềm sẵn có của IPCC (chương trình IPCC). Phiên bản 2.69 của phần mềm IPCC triển khai các phương pháp tính phát thải KNK với việc sử dụng các hệ số bậc 1 đơn giản nhất cho tất cả các ngành và các hệ số bậc 2 cho hầu hết các danh mục trong lĩnh vực năng lượng, IPPU và chất thải cũng như các danh mục nông nghiệp thuộc lĩnh vực AFOLU trong Hướng dẫn IPCC 2006 về kiểm kê KNK quốc gia.
Trên cơ sở các chương trình khoa học công nghệ đề xuất, kế thừa kết quả nghiên cứu giảm phát thải KNK ở một số địa phương tại Việt Nam, đồng thời kết hợp với điều kiện thực tế tại Bình Dương, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp và tiềm năng giảm phát thải KNK đối với tỉnh. Cụ thể là sử dụng có hiệu quả các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng; cải tạo hệ thống chiếu sáng; trồng cây và tăng cường mảng xanh (công viên, đường sá, vỉa hè, bờ kênh); sử dụng năng lượng hiệu quả trong giao thông vận tải theo hướng giảm dần việc lưu thông những phương tiện tiêu hao nhiều nhiên liệu và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và xe máy chạy bằng điện, thay thế 1 số xe buýt Diesel bằng xe buýt chạy bằng khí hóa lỏng (CNG); thay đổi thói quen phương tiện vận chuyển cá nhân; nghiên cứu giải pháp sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp… Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp tỉnh cũng cần có phương án tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân giảm sử dụng phân bón hóa học đồng thời thực hiện thay đổi khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để giảm mức độ phát thải KNK trong chăn nuôi.’
ĐÌNH THẮNG