Bình Dương hướng đến xây dựng đô thị thông minh, xanh, bền vững

2024-09-23 08:26:59

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, cơ hội để xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế; nâng cao hơn nữa vị thế, đưa Bình Dương “cất cánh” phát triển trong thời kỳ mới với những mục tiêu cao hơn, toàn diện và có tính bao quát hơn. Nhân sự kiện Bình Dương tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh, phóng viên báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, về những nội dung liên quan để làm rõ hơn định hướng phát triển của tỉnh.

Đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối vùng là một trong những bước đột phá về hạ tầng của Bình Dương. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn

- Xin ông cho biết, Quy hoạch tỉnh lần này có điểm gì mới, khác biệt so với quy hoạch trước đây?

- Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một số điểm mới, khác biệt so với các giai đoạn trước. Đó là, so với quy hoạch trước đây, quy hoạch lần này không chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn mà còn đưa ra định hướng phát triển dài hạn đến năm 2050. Điều này cho phép Bình Dương có thể lập kế hoạch một cách toàn diện, đón đầu các xu hướng phát triển mới. Bên cạnh đó, Bình Dương hướng đến xây dựng đô thị thông minh, xanh và bền vững, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo và môi trường sống thân thiện. Sự thay đổi này đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quy hoạch lần này nhấn mạnh việc tạo ra các kết nối liên vùng, liên tỉnh mạnh mẽ hơn, giúp Bình Dương trở thành một trung tâm kinh tế vùng phía Nam, kết nối chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; hệ thống giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, Metro và hệ thống logistics, sẽ được mở rộng và nâng cấp. Quy hoạch mới đề cao việc chuyển dịch mở rộng và nâng cấp từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp 4.0, thúc đẩy các ngành công nghệ cao, tự động hóa và dịch vụ chất lượng cao, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất công nghiệp đơn thuần như trước. Cùng với đó, Bình Dương tăng cường quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện việc quy hoạch và sử dụng đất một cách hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đất đai cho các mục đích gây hại đến môi trường, bảo vệ các khu vực sinh thái và tài nguyên nước.

Đồng thời, theo quy hoạch lần này, Bình Dương tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao thương hiệu quốc tế, đặc biệt với mục tiêu giữ vững vị thế Top 1 ICF.

- Quy hoạch tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu lớn, đặc biệt là mục tiêu đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Xin ông cho biết Bình Dương sẽ triển khai những cơ chế, chính sách đột phá gì để đạt mục tiêu này?

- Để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương đề ra một loạt cơ chế, chính sách và định hướng đột phá, tập trung vào các yếu tố:

- Nằm trong chuỗi sự kiện lễ công bố Quy hoạch tỉnh, Bình Dương sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với cộng đồng, nhà đầu tư trong hệ thống ICF tại New York (Mỹ). Thông qua sự kiện này, Bình Dương mong muốn phát đi thông điệp gì, thưa ông?

- Việc Bình Dương thực hiện công bố Quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với cộng đồng, nhà đầu tư trong hệ thống ICF tại New York (Mỹ) nhằm giới thiệu về lợi thế, tiềm năng phát triển cũng như định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Một là tái cấu trúc không gian đô thị. Theo đó, về phân cấp đô thị, Bình Dương sẽ phát triển đô thị theo hướng phân cấp, với các đô thị vệ tinh như TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Bến Cát, tăng cường quy hoạch đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Về xây dựng đô thị thông minh, Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mô hình đô thị thông minh, nâng cao ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị và dịch vụ công, thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng thông minh.

Hai là đột phá về hạ tầng giao thông. Cụ thể, về phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng, Bình Dương xây dựng các tuyến đường cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị, tuyến Metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; các dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến giao thông xuyên tỉnh sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Về tăng cường hạ tầng logistics, Bình Dương phát triển các khu công nghiệp tích hợp với các trung tâm logistics quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa toàn khu vực.

Ba là cải cách hành chính và môi trường đầu tư. Cụ thể, về cải thiện thủ tục hành chính, Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Về cơ chế đặc thù, Bình Dương có thể xin phép chính phủ áp dụng một số cơ chế đặc thù, như miễn giảm thuế cho các dự án công nghệ cao, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và môi trường.

Bốn là chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp 4.0. Về thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Bình Dương sẽ không chỉ dừng lại ở công nghiệp truyền thống mà định hướng phát triển các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp xanh. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương tăng cường xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, dịch vụ và du lịch, đồng thời khuyến khích các tập đoàn lớn quốc tế thiết lập cơ sở tại Bình Dương.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến xây dựng đô thị thông minh, xanh và bền vững, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo và môi trường sống thân thiện. Trong ảnh: Đường vào trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH

Năm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, về đào tạo và thu hút nhân tài, Bình Dương sẽ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và quản lý đô thị thông minh. Về chính sách thu hút nhân tài, Bình Dương sẽ đưa ra các chính sách ưu đãi về lương thưởng, nhà ở và điều kiện làm việc nhằm thu hút các chuyên gia, kỹ sư và doanh nhân giỏi đến làm việc tại Bình Dương.

Sáu là bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo đó, đối với phát triển xanh, Bình Dương sẽ đưa vào chính sách phát triển bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo. Các dự án hạ tầng, khu công nghiệp mới sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và phát triển xanh.

Bảy là xây dựng thương hiệu quốc tế. Bình Dương tiếp tục duy trì vị thế Top 1 ICF; tiếp tục tham gia vào các tổ chức quốc tế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, quảng bá hình ảnh Bình Dương như một điểm đến đầu tư và phát triển công nghệ cao hàng đầu.

- Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu Bình Dương dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ hiện đại của khu vực. Bình Dương có giải pháp đột phá gì để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

- Bình Dương đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, như hình thành “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”. Bình Dương cũng tích cực chuyển đổi số; tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Triển khai Quy hoạch tỉnh, Bình Dương kỳ vọng gì về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới trong thời gian tới, thưa ông?

- Trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Bình Dương cũng thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, đô thị hướng đến phát triển bền vững, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thiết lập các khuôn mẫu phát triển đô thị gắn với những đột phá trong sử dụng năng lượng tái tạo, trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tạo động lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Báo Bình Dương