Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay - Kỳ cuối
(BDO) Kỳ cuối: Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân
Với sự nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là một trong những “chốt chặn” quan trọng được tỉnh xác định tiếp tục đầu tư nâng cao để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu cách ly tập trung TP.Thuận An
Đột phá xã hội hóa y tế
Thời gian qua, chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) y tế đã tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Cùng với đó, chưa bao giờ mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập của tỉnh lại phát triển mạnh mẽ như trong 5 năm qua. Cụ thể, Bình Dương đã đưa vào khai thác 4 bệnh viện tư nhân và đưa vào sử dụng trên 1.700 giường bệnh mới. Công tác XHH y tế được đẩy mạnh, thu hút được nhiều thành phần tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 878 cơ sở y tế ngoài công lập.
Tính đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ đạt 100%; số giường bệnh/10.000 dân là 20,04; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 7,5; 100% xã/phường/thịtrấn đạt Tiêu chíquốc gia vềy tếxã; 100% trạm y tế cóbác sĩ, nữ hộsinh; 100% khu phố, ấp cónhân viên y tếvà cộng tác viên các chương trình y tế. |
Hiện tỉnh có 5 đề án liên doanh, liên kết. Tiêu biểu phải kể đến Đề án chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 4 đề án liên doanh, liên kết tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An (máy CT-Scanner; xây dựng khu khám bệnh, điều trị nội trú theo yêu cầu; lắp đặt máy lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng; lắp đặt máy miễn dịch huỳnh quang và máy phân tích khí máu động mạch cầm tay cho khoa hồi sức cấp cứu). Ngoài ra, tỉnh còn có 44 cơ sở y tế tư nhân thực hiện công tác tiêm chủng, 5 đơn vị tư nhân thực hiện quan trắc môi trường lao động. Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập đẩy mạnh tự chủ tài chính, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để phát triển các cơ sở y tế công lập càng được quan tâm hơn.
Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết qua thực tiễn hoạt động, nghiên cứu đánh giá chỉ ra rằng chính sách khuyến khích XHH đã làm thay đổi tư duy của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong huy động vốn, phục vụ chuyên môn mà không chờ vào ngân sách. Khắp các địa phương dấy lên phong trào XHH y tế. Tại TP.Thủ Dầu Một, trong 5 năm qua, thành phốđã kêu gọi thực hiện 7 công trình như trung tâm y tế, trang thiết bị phòng khám chăm sóc trước sinh, trang thiết bị cơ sở điều trị methadone; TX.Tân Uyên thực hiện được 1 bệnh viện đa khoa, 7 phòng khám đa khoa, 48 phòng khám chuyên khoa, 12 dịch vụ y tế, 11 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 1 trạm y tế công ty và 411 cơ sở hành nghề dược tư nhân. Từ việc triển khai hiệu quả công tác XHH, các trung tâm y tế đã tích lũy được quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực y tế, từng bước tạo được niềm tin cho nhân dân tại địa phương.
Bên cạnh sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân, công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Tiến sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thời gian qua, bệnh viện đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và các kỹ thuật vượt tuyến. Hiện bệnh viện đang duy trì phát triển hơn nữa một số kỹ thuật mũi nhọn, như: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thay khớp, chụp can thiệp mạch vành, điều trị STI chứng sốt xuất huyết, điều trị rắn cắn... góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Y tế dự phòng - Chốt chặn bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Trong những ngày này dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế nói chung và đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đang căng mình chiến đấu với vi rút Corona. Khắp nơi trong tỉnh, cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần phòng ngừa và tấn công dịch bệnh. Đặc biệt, tại những nơi có dịch, Bình Dương cũng đồng thời thực hiện tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc để dập dịch. Hiện Bình Dương đang thực hiện tốt 6 nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Chiến lược giai đoạn mới mà Bình Dương đang thực hiện là bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn để kiểm soát chặt các nguồn lây, chặt đứt chuỗi lây, cắt đứt các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Bình Dương nhấn mạnh sách lược: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, sẵn sàng đánh chặn, bảo vệ thành trì các khu công nghiệp.
Mục tiêu đánh chặn đã được ngành y tế tỉnh chứng minh từ những ngày đầu chống dịch. Tinh thần này luôn ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ y bác sĩ. Bác sĩ Phạm Nguyễn Tuấn Vũ, Đội trưởng Đội cơ động phòng, chống dịch bệnh TP.Dĩ An, cho biết những ngày này anh em trong đội cơ động đi thâu đêm suốt sáng xuống nhà dân điều tra dịch tễ các trường hợp F1, F2 liên quan. “Những đợt cao điểm, chúng tôi ngủ bên lề đường, ăn vội ổ bánh mì trong bộ đồ bảo hộ trùm kín mít, nóng bức. Có những hôm nhận nhiệm vụ điều tra gấp, không kịp ăn hộp cơm, uống vội ngụm nước rồi vội vã lên đường bởi chúng tôi hiểu rằng nếu không làm nhanh, truy vết thần tốc thì nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan trong cộng đồng”, bác sĩ Vũ nói. Hiện nay, không chỉ riêng bác sĩ Vũ mà toàn ngành y tế đều chung một ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện nay, ngoài kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, hệ thống y tế dự phòng còn thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm, như: Ebola, MERS-CoV, Zika và các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, bệnh dại, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn... Các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin được tổ chức đồng bộ hiệu quả khi có nguy cơ bùng phát dịch. Nhờ đó, hầu hết các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập. Đặc biệt, các bệnh dịch lưu hành theo mùa cũng được khống chế và kiểm soát tốt, số ca bệnh ngày càng giảm qua các năm. Thành công của những chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống, kéo dài tuổi thọ và làm thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng.
Nhìn nhận khách quan về lĩnh vực y tế dự phòng, ông Huỳnh Thanh Hà cho biết: “Thực tế ghi nhận lịch sử các bệnh dịch (đậu mùa, cúm A/H1N1, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng…), Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu về phòng dịch và hạn chế thấp nhất số ca mắc, tử vong do dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành y tế dự phòng đã làm tốt các biện pháp xử lý triệt để nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và Zika, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đạt nhiều thành tựu đáng trân trọng. Bình Dương chưa có trường hợp nào nhiễm vi rút Zika và chưa có địa phương nào để bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng. Riêng về dịch bệnh Covid-19, trong năm 2020, Bình Dương không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tại đợt dịch lần thứ 4, tính đến ngày 24-6, toàn tỉnh ghi nhận 191 ca mắc trong cộng đồng và tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt”.
KIM HÀ