Bình Dương đủ tiềm lực hiện thực hóa vùng đổi mới sáng tạo

Thứ tư, ngày 23/09/2020

(BDO)  Sáng 22-9, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục chủ trì hội nghị báo cáo Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 Bình Dương sẽ xây dựng KCN khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng. Trong ảnh: Một góc KCN Bàu Bàng hiện hữu Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Gii phámang tính nn tng

Tại buổi làm việc, hội nghị đã nghe các giáo sư, kiến trúc sư, nhà sáng lập nói về phát triển khu công nghiệp (KCN) khoa học công nghệ (KHCN); định hướng vùng ĐMST Bình Dương, vấn đề số hóa… và các giải pháp hiện thực hóa đề án. Chiến lược thành phố thông minh (TPTM) được chuyển đổi thành Vùng ĐMST Bình Dương, mở rộng phạm vi sang KCN KHCN và các KCN khác cùng các trung tâm đô thị tại Bình Dương. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam nhấn mạnh: “Với tiềm năng và thực lực hiện tại của Bình Dương, đặc biệt là những kết quả đạt được rất quan trọng trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới và phấn đấu tiến thêm một bước nữa, đó là xây dựng Vùng ĐMST Bình Dương mà Tổng Công ty Becamex đã báo cáo, đề xuất. Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao với việc xây dựng và triển khai Đề án Vùng ĐMST Bình Dương và việc quy hoạch KCN KHCN tại huyện Bàu Bàng”.

Nội dung chính đầu tiên ông Trần Văn Nam nêu ra cần triển khai đó là công tác quy hoạch đô thị, giao thông gồm phê duyệt quy hoạch tổng thể Vùng ĐMST Bình Dương. Trong đó, thành phố mới Bình Dương là tâm điểm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các KCN của tương lai, cụ thể là KCN KHCN Bàu Bàng. Phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng (BRT - TOD). Tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương. Định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt; phát triển logistics thông minh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kỹ thuật số - băng thông rộng.

Nội dung thứ hai được ông Trần Văn Nam nhấn mạnh, đó là xây dựng văn hóa ĐMST, khởi nghiệp. Trong đó, tập trung vào việc không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Các chính sách, quyết định quản lý có văn hóa ĐMST phải góp phần giải phóng con người, giải phóng sức lao động và thủ tiêu mọi sự kìm hãm đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết: “Trong Nghị quyết nhiệm kỳ 2021- 2025, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đặc biệt lưu ý đến phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển KHCN. Đối với Vùng ĐMST có thể so sánh phù hợp với 4 chương trình đột phá của tỉnh nhiệm kỳ tới, cũng như 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông; phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển KHCN; phát triển mang tính chất kết nối vùng để phát triển kinh doanh sản xuất với các đơn vị khác. Song song đó, phát triển kinh tế của Bình Dương phải gắn với phát triển kinh tế của vùng”.

Để thực hiện Đề án Vùng ĐMST Bình Dương, bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng giám đốc Công ty ENCITY, đơn vị tư vấn đề án cho biết: “Trong buổi hội thảo hôm nay, nhiều nhóm giải pháp khác nhau đã được các đơn vị, các chuyên gia đưa ra như giải pháp về quy hoạch, hạ tầng… cho đến câu chuyện nguồn nhân lực. Quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật vẫn là giải pháp mang tính nền tảng, cần thực hiện trước tiên để hướng tới Vùng ĐMST thời gian tới đây”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Trong giai đoạn mới, yêu cầu mới, trước hết cần thực hiện quy hoạch đô thị nhằm thu hút nguồn lực đáp ứng nhu cầu con người đến học tập, nghiên cứu, làm việc. Thứ hai, cần tạo văn hóa đổi mới, trong đó bộ máy quản lý cần có suy nghĩ đổi mới, làm thế nào tạo sự thu hút. Thứ ba là nguồn nhân lực, trong đó đẩy mạnh liên kết viện, trường, doanh nghiệp”.

Xây dng KCN khoa hc công ngh

KCN KHCN xây dựng tại huyện Bàu Bàng được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái ĐMST, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao của tỉnh.

Bà Vương Phan Liên Trang cho biết: “Bình Dương có nhiều thuận lợi để thực hiện mô hình KCN KHCN với diện tích hơn 1.700 ha. Đây sẽ là một điểm sáng để phát triển Vùng ĐMST Bình Dương. Việc phát triển các KCN theo hình thức tập trung của Bình Dương trong những năm qua đã rất thành công. Để tiếp tục thành công trong thực hiện tích hợp KHCN, trước hết Bình Dương cần thúc đẩy mô hình 3 nhà”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Xây dựng KCN KHCN, Bình Dương có thuận lợi để thực hiện như nhà ở xã hội là phần mềm để thúc đẩy công nghiệp tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN. Nếu KCN KHCN được hình thành sẽ góp phần thu hút các dự án đầu tư”.

 Kết luận hội nghị, ông Trần Văn Nam nhấn mạnh 5 nội dung chính cần triển khai cụ thể trong xây dựng và triển khai Đề án Vùng ĐMST Bình Dương và việc quy hoạch KCN KHCN tại huyện Bàu Bàng, gồm: Thứ nhất là về quy hoạch đô thị, giao thông; thứ hai là xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thứ ba là phát triển cân bằng nền kinh tế; thứ tư là chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, Chính phủ số, thương mại điện tử; thứ năm là phát triển và thu hút nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết: “Nhìn chung, TPTM Bình Dương và Vùng ĐMST có sự giống nhau đó là cùng hướng đến KHCN để phát triển trong tương lai. Sự khác biệt rõ nhất đây là vấn đề phát triển chuyên sâu về KHCN, đặc biệt Bình Dương tạo ra vùng Bàu Bàng để tập trung phát triển, trong đó tạo ra 5 lớp để tiếp cận và xây dựng khu vực KHCN này. Để hiện thực hóa Đề án Vùng ĐMST, Bình Dương sẽ tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng như thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước đến với Vùng ĐMST để làm việc, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất. Tỉnh cũng quy hoạch cơ sở hạ tầng và các vấn đề có liên quan thuận lợi nhất khi các nhà đầu tư đến đầu tư tại Vùng ĐMST này.

Bà Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty ENCITY: “Bình Dương đã tiên phong trong nghiên cứu, tìm hiểu và lập ra các đề án, chương trình cụ thể trong các buổi hội thảo. Với một chính quyền năng động, các doanh nghiệp hàng đầu trong tỉnh và mô hình hợp tác rất thành công, Bình Dương hiện đang phát triển mô hình thông minh theo hướng công nghiệp công nghệ cao nhiều hơn. Tất cả các điều kiện cho thấy triển vọng để Bình Dương phát triển, hiện thực hóa đề án này”.

 PHƯƠNG LÊ