Bình Dương đổi mới qua ống kính nhiếp ảnh
(BDO) Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc, ghi chép cuộc sống bằng chính những cảm xúc thực sự của người nghệ sĩ. Đất, người Bình Dương với những thay đổi nhanh chóng đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho không ít các nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Nếu có dịp tập hợp các bức ảnh lại, sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ có một cái nhìn đầy đủ hơn cũng như một góc nhìn lạ lẫm với mảnh đất đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Mỗi thời điểm, Bình Dương có những diện mạo khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn mang một vẻ đẹp riêng biệt, không pha trộn.
Trong ký ức, Bình Dương là một tỉnh thuần nông, được ghi lại qua những bức ảnh với ruộng lúa, với những chiếc xe thổ mộ dọc ngang, những con đường đất… Hình ảnh Bình Dương bấy giờ là một vùng quê mộc mạc. Không bao lâu, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, tỉnh đã có những bước phát triển diệu kỳ. Chứng kiến sự đổi thay ấy, các nghệ sĩ không cho phép mình bỏ lỡ cơ hội ghi lại những chặng đường phát triển mang tính chất bước ngoặt.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Tình, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Cầm máy ảnh trên tay, chụp lại những khoảnh khắc thay đổi của Bình Dương qua từng ngóc ngách, thực sự tôi thấy vô cùng tự hào. Cảm nhận của tôi chỉ có thể gói gọn lại bằng hai chữ tuyệt vời”. Một thành phố văn minh hiện đại với sự lớn mạnh không ngừng của những khu công nghiệp đồ sộ, rộng lớn, những tòa nhà tiện nghi, những con đường thẳng tắp cho đến những thay đổi về nếp sống, văn hóa… tất cả đều được các nghệ sĩ ghi chép lại bằng những bức hình.
Nếu gọi những nghệ sĩ nhiếp ảnh là những người chép sử bằng hình ảnh không có gì sai nhưng vẫn chưa đủ. Bởi họ không ghi chép một cách đơn thuần mà họ ghi bằng cảm xúc, bằng chiều sâu của tâm hồn. Người xem nhìn một bức ảnh bao quát toàn bộ Thành phố mới đều trầm trồ khen ngợi nhưng mấy ai hiểu rằng để có được một bức ảnh ấn tượng như thế là những giọt mồ hôi giữa cái nắng gắt, những nguy hiểm khi phải tác nghiệp ở độ cao và cả những áp lực chọn góc nào “đắt”, bố cục thế nào cho hợp lý để có một bức ảnh giá trị, toát lên được vẻ đẹp hiện đại của Thành phố mới. Nhiều bức ảnh có giá trị, không phải bởi nó chụp lại những gì to lớn mà từ chính những khoảnh khắc đời thường nhất, những chàng trai cô gái say sưa lao động trong các nhà máy, những người thợ miệt mài ở những lò gốm…
Hàng năm, nhân các dịp lễ lớn như mừng Đảng, mừng xuân, kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam 30-4… tỉnh tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật. Đây cũng là cơ hội cho mọi người được thưởng thức khá trọn vẹn bức tranh toàn cảnh về quê hương. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Hồng Long chia sẻ: “Tôi gắn bó với Bình Dương đã lâu, tự hào vì sự phát triển nhanh của quê hương nhưng bên cạnh đó cũng phần nào nuối tiếc có những nét văn hóa truyền thống mai một dần. Chúng tôi đã kịp ghi lại, để sau này thế hệ con cháu hiểu hơn về nét đẹp văn hóa, truyền thống”. Phải thực sự có một tấm lòng yêu quê hương tha thiết mới có thể có những khoảnh khắc đẹp, có những tác phẩm sống mãi cùng thời gian như thế.
HỒNG THỦY