Bình Dương - điểm sáng về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ ba, ngày 31/12/2013

Bài 2: Khi lợi thế được phát huy

 Bài 1: Từ chủ trương, chính sách đúng đắn

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Dương đã phát huy được những lợi thế về đặc điểm tự nhiên, văn hóa, thể chế, đầu tư xây dựng hạ tầng, với những chủ trương đúng đắn, sự đồng thuận của nhân dân, tận dụng tốt xu hướng mở cửa, hội nhập… đã nhanh chóng đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ tại báo cáo chỉ số năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương thông qua các yếu tố động như thương mại (hàng hóa, dịch vụ); đầu tư (vốn và công nghệ); con người (lao động, di cư); du lịch...  

Giày da, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu ở tập đoàn TBS (Giày Thái Bình)

Đầu tư, xuất khẩu tăng trưởng bền vững

Trong nhiều năm qua, Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi hàng đầu của cả nước. Với vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chính sách thông thoáng, Bình Dương đã thu hút một lượng đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nâng tổng số dự án FDI tại địa phương lên con số 2.209 với tổng số vốn lên tới gần 19 tỷ USD. Đối với đầu tư trong nước, năm qua Bình Dương cũng đã thu hút gần 15.000 tỷ đồng, đưa số DN trong nước đang đầu tư tại địa phương lên con số trên 15.000 với tổng vốn đầu tư lên trên 117.000 tỷ đồng. Đi kèm với các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án FDI vào địa phương là các quy trình, khoa học công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất. Hiện tại Bình Dương đã thu hút rất nhiều các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao đến từ khắp nơi trên thế giới.  

Hệ thống thương mại dịch vụ ở Bình Dương được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng

Cùng với khả năng thu hút đầu tư mạnh mẽ, Bình Dương còn là địa phương có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Tính riêng năm 2013, xuất khẩu của tỉnh giữ nhịp tăng trưởng ở mức 15,7% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 14 tỷ USD. Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá cao như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, cao su, hàng điện tử… Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại cũng phát triển mạnh mẽ thông qua việc hình thành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị với các tên tuổi lớn trong và ngoài nước như Co.opMart, Metro, BigC, Lotte Mart… Trong năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại địa phương đạt 89.544 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ.

Nhờ đầu tư, xuất khẩu, thương mại tăng trưởng tốt đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của Bình Dương luôn được duy trì ở tốc độ cao. Năm 2013, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng GDP của địa phương vẫn tăng trưởng 12,8%, cao hơn kế hoạch đề ra (12,5%) và cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng của cả nước (5,42%); GDP bình quân theo đầu người đạt 52,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 29.000 tỷ đồng.

Những con số ấn tượng về đầu tư, xuất khẩu, thương mại, khoa học, công nghệ, tăng trưởng GDP, thu ngân sách… đã cho thấy rõ khả năng phát triển và hội nhập kinh tế của địa phương trong thời gian qua. Có thể nói, các “yếu tố động” này đã phản ánh rõ vị trí thứ 3 về năng lực hội nhập kinh tế của Bình Dương tại bản báo cáo do Ủy ban Quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế vừa công bố.

Nơi hội tụ của lao động di cư, du lịch

Một điều nữa cũng phản ánh rõ khả năng hội nhập kinh tế của Bình Dương là các yếu tố về lao động di cư và du lịch. Với môi trường phát triển kinh tế năng động, Bình Dương lâu nay cũng đã trở thành một miền đất hứa, hội tụ lao động di cư và khách du lịch thập phương. Tại địa phương hiện đã quy tụ đông đảo các nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới; đồng thời một lực lượng lớn khoảng 700.000 lao động ngoại tỉnh gồm những trí thức, sinh viên tốt nghiệp, công nhân lao động phổ thông… cũng tìm đến Bình Dương để an cư, lập nghiệp, chiếm khoảng 1/2 dân số tại địa phương.

Về văn hóa và du lịch, Bình Dương là một phần của đất Gia Định xưa, đến nay đã có trên 300 năm lịch sử với những di sản văn hóa đặc sắc mà tiêu biểu là đờn ca tài tử vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ca nhạc tài tử sau này nở rộ ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng cái nôi sản sinh thì vẫn là Gia Định, trong đó có Bình Dương. Mặt khác, Bình Dương còn là đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, đồng thời cũng đã xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử lớn như lễ hội chùa Bà Thủ Dầu Một, chùa Ông Bổn và lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín... Cùng với đó, Bình Dương có các địa danh nổi tiếng như địa đạo Tam giác sắt, chợ Thủ Dầu Một, núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, chiến khu Đ, nhà tù Phú Lợi, chùa Hội Khánh, các nhà cổ...

Với bề dày truyền thống, văn hóa, lịch sử như trên, Bình Dương có một điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Song song đó, hiện tại Bình Dương còn hình thành nhiều khu du lịch, vui chơi, giải trí. Tất cả những đặc điểm này đã và đang giúp địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút một lượng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm…

Phân tích, nhìn nhận các yếu tố góp phần đưa Bình Dương xếp ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số năng lực hội nhập kinh tế cấp địa phương cũng là một lần soi lại tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục phát huy. Kết quả từ báo cáo của chỉ số này còn là một nghiên cứu về khả năng hội nhập khá hoàn chỉnh, giúp cho địa phương và DN nhìn nhận, đánh giá lại một cách khách quan nhất để hội nhập vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu khi tiến trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

            THÀNH SƠN