Bình Dương: Điểm sáng của chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
(BDO) Thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu; Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28-6-2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT; trong những năm vừa qua, Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp huyện, tỉnh, khu vực, quốc gia.
Kỳ sau cao hơn kỳ trước
Chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Dương đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2012-2024. Trong đó kết quả nổi bật có thể thấy là sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cơ sở CNNT tham gia, số sản phẩm đăng ký và số sản phẩm được công nhận qua từng năm. Năm 2012, Bình Dương chỉ có 6 cơ sở CNNT tham gia với 15 sản phẩm đăng ký và 12 sản phẩm được công nhận. Tuy nhiên, chương trình đã có sự bứt phá đáng kể vào các năm tiếp theo, số lượng cơ sở CNNT và số sản phẩm đăng ký bình chọn liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Đáng chú ý, năm 2024 là cột mốc quan trọng khi số lượng sản phẩm đăng ký đạt đỉnh với 54 sản phẩm, 46 đơn vị tham gia, trong đó 41 sản phẩm được công nhận. Đây là con số cao nhất trong lịch sử chương trình, đồng thời khẳng định sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp nông thôn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường.
Mặc dù số sản phẩm được công nhận ít hơn kỳ trước đó 1 sản phẩm, nhưng số lượng đơn vị đăng ký dự thi lại nhiều hơn 3 đơn vị. Điều này cho thấy chương trình bình chọn ngày càng thu hút được nhiều đơn vị tham gia, đồng thời các tiêu chí xét duyệt chấm điểm ngày càng cao.
Nhìn chung, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của Bình Dương vẫn giữ vững phong độ với sự ổn định trong số lượng sản phẩm đạt chuẩn. Kết quả này không chỉ thể hiện sự phát triển của các sản phẩm CNNT mà còn phản ánh sự thành công của chương trình trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Ảnh minh họa: Anh Dũng
Hội đồng Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu xem xét các sản phẩm tham gia Bình chọn lần VII năm 2024. Ảnh: Anh Dũng
Top dẫn đầu sân chơi khu vực và quốc gia
Ban đầu, năm 2012, Bình Dương có 12 sản phẩm đạt danh hiệu cấp tỉnh và 6 sản phẩm được công nhận cấp khu vực. Đây là những con số khá khiêm tốn, nhưng đã đánh dấu một khởi đầu quan trọng, mở ra hướng đi mới cho ngành CNNT của tỉnh.
Trong những năm tiếp theo, số lượng sản phẩm được công nhận không ngừng tăng lên, chứng minh cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp trong khu vực. Năm 2014, số lượng sản phẩm cấp tỉnh tăng lên 21, trong khi cấp khu vực có 5 sản phẩm được vinh danh. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh đã có bước tiến lớn với 24 sản phẩm cấp tỉnh và lần đầu tiên có 3 sản phẩm đạt cấp quốc gia.
Một trong những cột mốc đáng chú ý nhất của chương trình là vào các năm 2016, 2017, Bình Dương có 9 sản phẩm cấp khu vực, 5 sản phẩm cấp quốc gia, Bình Dương đã dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận. Đây là một thành tựu quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh, khẳng định vị thế của Bình Dương trong lĩnh vực CNNT trên toàn quốc.
Năm 2020 là một năm khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì phong độ với 27 sản phẩm cấp tỉnh và 13 sản phẩm cấp khu vực được công nhận. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc vượt qua thách thức, đổi mới sáng tạo để giữ vững thị trường. Đặc biệt, năm 2021, Bình Dương một lần nữa đứng đầu cả nước với 7 sản phẩm cấp quốc gia, khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm CNNT của tỉnh.
Năm 2022, khi Bình Dương không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực phía Nam với 28 sản phẩm cấp khu vực được công nhận mà còn là năm đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng và quy mô sản phẩm. Các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2023, Bình Dương có 7 sản phẩm cấp quốc gia, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về số lượng sản phẩm được công nhận ở cấp cao nhất (top 2). Tuy nhiên, thành tựu này không hề giảm sút mà ngược lại, còn chứng minh rằng Bình Dương đang duy trì ổn định và tiếp tục phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc duy trì được vị thế này là điều đáng ghi nhận.
Nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ qua, có thể thấy rằng, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Dương đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Việc liên tục đạt được các vị trí cao trong những năm gần đây đã khẳng định vai trò tiên phong của tỉnh trong việc phát triển CNNT trên toàn quốc, với nhiều sản phẩm đạt chuẩn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những thành tựu đạt được không chỉ là niềm tự hào của Bình Dương mà còn là động lực để tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Ảnh minh họa: Anh Dũng
Có chính sách ưu đãi
Để hỗ trợ, phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu, Bình Dương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó nổi bật là chương trình khuyến công của tỉnh hàng năm luôn ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm được công nhận, đặc biệt là các sản phẩm đạt được chứng nhận cấp quốc gia và khu vực, đồng thời Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu còn hiệu lực (Chứng nhận có hiệu lực 4 năm kể từ khi được cấp, năm thứ nhất được tính là năm cấp chứng nhận). Cụ thể như sau:
- Được hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn cách tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế biến, bảo quản, điều kiện bảo đảm an toàn, nhãn hàng hóa thực phẩm. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/cơ sở
- Xét ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP .
- Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở.
- Chi hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các cơ sở CNNT. Mức hỗ trợ tối đa lần lượt là 70, 50, 30, 20 triệu đồng/ phòng trưng bày tương ứng với các cấp công nhận như: quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện.
- Giới thiệu về sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương, sàn thương mại điện tử của tỉnh.
- Hỗ trợ, kết nối sản phẩm CNNT tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc (Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...)
- Hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến đầu tư phát triển và xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu; trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước.
- Tư vấn, hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển thương mại điện tử và ứng dụng kinh tế số cho công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: Anh Dũng
Anh Dũng – Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp