Bình Dương - Dấu ấn ¼ thế kỷ

Thứ sáu, ngày 24/12/2021

(BDO) Bài 1: Khởi đầu cho hành trình bứt phá

Bài 2: Dám nghĩ, biết làm

Bài 3: Đoàn kết, đồng thuận - Sức mạnh thời đại của Bình Dương công nghiệp hóa

Bài 4: Sức hút đầu tư

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã trở thành “điểm sáng” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Thành công ấy đến từ việc phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhất là trong việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Khơi thông dòng vốn FDI

Ông Gricha Safarian, Lãnh sự danh dự Bỉ tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Puratos (Khu công nghiệp (KCN) VSIP 1), nhớ lại: “Tôi đến sống, làm việc tại Việt Nam từ năm 1993 và quyết định đầu tư vào Bình Dương khi vừa đặt chân đến vùng đất này. Cuối năm 2000, tại KCN VSIP 1, tôi đã xây dựng nhà máy sản xuất sôcôla đầu tiên tại Việt Nam. Những ngày mới đến đây để tìm hiểu, kinh tế của Bình Dương chưa phát triển, đô thị còn thưa thớt, giao thông chưa liền mạch như bây giờ. Nhưng tôi đã có niềm tin ngay từ đầu, bởi chúng tôi luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển”. Ông Gricha Safarian cho biết thực sự hài lòng bởi đã quyết định lựa chọn Bình Dương đặt nhà máy để sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI có sự đóng góp làm nên thành công của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất dây dẫn điện. Ảnh: XUÂN THI

ó thể nói, một trong những quyết sách quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của Bình Dương là “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” suốt 25 năm qua. Cho đến nay chính sách đó vẫn là chuyện thời sự ở các tỉnh phía Nam và cả nước... Từ quyết sách ấy, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để đón làn sóng đầu tư của các DN trong và ngoài nước.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập tỉnh, Sóng Thần và VSIP1 là những KCN đầu tiên được xây dựng đã trở thành một trong những bước đệm hình thành nên những KCN nối tiếp nhau ra đời của tỉnh. Đặc biệt là VSIP 1, trở thành KCN điển hình và xứng đáng kiểu mẫu tại Việt Nam về mọi mặt, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư uy tín trên thế giới.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng KCN gắn với đô thị hóa. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư. Tính đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến “chọn mặt gửi vàng”.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Nhìn lại hành trình sau hơn 35 năm đổi mới, 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với quá trình phát triển của đất nước, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những tỉnh, thành luôn dẫn đầu cả nước về thu ngân sách, xuất khẩu, thu hút đầu tư. Để có được những kết quả vượt bậc, thu hút vốn đầu tư FDI không chỉ đến từ một hay vài nguyên nhân chủ chốt mà là sự hợp lực của nhiều yếu tố. Điều hiển nhiên, thành công trong việc thu hút đầu tư còn đến từ chính nội lực của tỉnh. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Bình Dương còn tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng, quảng bá đưa hình ảnh Bình Dương vươn ra quốc tế.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết với dòng vốn FDI, Bình Dương hôm nay đã mang trên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã, sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đến nay, Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn FDI. Trong năm 2021, dù trải qua một năm đầy biến động và khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương tiếp tục để lại nhiều dấu ấn, trong đó điểm nhấn là kết quả thu hút vốn FDI vẫn ở vị trí tốp đầu cả nước. Từ những nỗ lực đó của tỉnh, niềm tin của cộng đồng DN về cơ hội, tiềm năng ngày càng được nhân lên.

Khẳng định vị thế

Nguồn vốn FDI đầu tư vào Bình Dương mạnh đã thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch rất mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và là động lực tăng trưởng về mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó là tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng giá trị xuất khẩu, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh và thu hút đông lao động ngoài tỉnh.

Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu như năm 1997 Bình Dương mới chỉ có 185 dự án FDI với tổng số vốn 961 triệu đô la Mỹ, tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động, thì đến nay, toàn tỉnh có 4.016 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ đô la Mỹ. Kết quả này đã cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Bình Dương được cộng đồng DN, các nhà đầu tư đánh giá cao.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2025 Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, thời gian tới thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới.

Năm 2021, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bình Dương cũng chịu không ít tác động. Giữa muôn vàn khó khăn, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy Bình Dương là “đất lành” để phát triển lâu dài. Đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh trong việc linh hoạt về xúc tiến đầu tư từ hình thức “tại chỗ” sang “tiếp thị” đầu tư bằng hình thức trực tuyến từ rất sớm. Theo các chuyên gia kinh tế, với sức hút của mình, Bình Dương trở thành “điểm đến” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước là một lẽ tất yếu. Thực tế, những kết quả và sự đột phá ấy đến từ việc Bình Dương đã hợp tác với các tập đoàn lớn để xây dựng các “thương hiệu” trong thu hút các nguồn lực đầu tư. (Còn tiếp)

Tính đến nay, toàn tỉnh có 4.016 dự án FDI đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, trong năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đến tháng 12-2021, tỉnh đã thu hút được gần 2,5 tỷ đô la Mỹ (tăng 127% so với cùng kỳ). Kết quả này đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ cũng những cách làm mới, quyết liệt của tỉnh trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi đúng hướng, được cộng đồng DN, các nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao.

NGỌC THANH

Từ khóa: