Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 7
(BDO) Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 6
Bài 7: Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Bình Dương có tổng diện tích tự nhiên gần 270.000 ha, trong đó diện tích đất nông lâm nghiệp gần 200.000 ha, với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi… ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua có sự phát triển rõ nét. Việc tìm đầu ra và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh. Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 3% nhưng Bình Dương luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là quy mô phát triển chăn nuôi, vườn cây ăn quả, nông sản theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, mang về giá trị kinh tế cao, đóng góp vào thành tựu chung của địa phương.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn liên tục đạt nhiều kết quả cao và bền vững, đời sống người dân nông thôn ngày một nâng cao, trường học các cấp được xây dựng khang trang và đạt chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Trường Tiểu học An Bình A, xã An Bình, huyện Phú Giáo
Do quá trình phát triển công nghiệp và đô thị nhanh nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần, tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm trong cơ cấu kinh tế. Tuy vậy, giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng bình quân 2,74%/năm, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi chuyển dần sang mô hình công nghiệp tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ áp dụng các quy trình khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng ha/năm. Năm 2020, tỉnh tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiên độ thực hiện 2 khu và 2 dự án nông nghiệp công nghệ cao với diện tích quy hoạch 979 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, có 5.000 ha sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao cho doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm.
Trong cơ cấu lại nông nghiệp và triển khai chính sách phát triển đều có những bước đột phá. Qua đó, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giảm các loại cây có giá trị kinh tế thấp được thực hiện theo đúng định hướng. Công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp đã được tập trung triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, trên 68% tổng đàn gia cầm, 63% tổng đàn gia súc và 5.700 ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong có gần 600 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Vùng quê khởi sắc
Kinh tế nông nghiệp phát triển cùng với sự quan tâm đầu tư từ ngân sách và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân nên quá trình điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn diễn ra nhanh chóng. Qua hơn 10 năm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chương trình đã đổi thay hoàn toàn diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nông thôn hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, 49/49 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so kế hoạch và được Trung ương đánh giá cao. Hiện nay, tỉnh có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2021 đạt 71 triệu đồng/người/năm.
Trở lại những xã nông thôn của tỉnh, chắc hẳn chúng ta ai cũng ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt”. Đó là những con đường bê tông nhựa nóng được nâng cấp mở rộng thẳng tắp thay thế cho những con đường đất đỏ, nối liền các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn. Những ngôi nhà mới khang trang cùng với hàng loạt các công trình phúc lợi, như: Chợ, trường học, trung tâm y tế, các thiết chế văn hóa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân nông thôn.
Được chứng kiến sự đổi thay rõ nét của quê hương sau 25 năm xây dựng, ông Nguyễn Văn Bảy ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, không khỏi xúc động. Ông cho biết: “Đến nay, điện, đường, trường, trạm đều khang trang sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã An Thái đã không ngừng được nâng cao. Tôi càng tự hào hơn khi cuối năm 2020, An Thái đã hoàn thành các tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM nâng cao”.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bình Dương xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học. Ngành tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra bước phát triển theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Nâng chất các xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng Làng Thông minh sẽ bảo đảm nông thôn phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có là mục tiêu đặt ra của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. (Còn tiếp)
THOẠI PHƯƠNG