Bình Dương - Dấu ấn 1/4 thế kỷ- Bài 6

Thứ hai, ngày 27/12/2021

(BDO) Bài 5: Thương mại - dịch vụ tăng tốc

Bài 6: Hạ tầng đồng bộ, đô thị thông minh

25 năm qua, Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong giai đoạn mới, nhằm tạo bước đột phá, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã triển khai xây dựng, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Tập trung đầu tư hạ tầng

Trong giai đoạn 1997-2000, Bình Dương đã ưu tiên đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung, chọn công nghiệp để đột phá phát triển. Sự hình thành các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành các khu đô thị mới, làm thay đổi diện mạo đô thị tỉnh nhà. Bên cạnh sự phát triển các KCN tập trung, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2000, hệ thống đường bộ nội tỉnh đã đến được toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó có trên 80% là đường nhựa. Những kết quả đạt được của giai đoạn này đã tạo tiền đề quan trọng cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của tỉnh.

Trong giai đoạn phát triển mới (2000-2021), một trong những mục tiêu bao trùm là thực hiện quy hoạch, xây dựng với định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu đẹp. Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện; đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

25 năm qua, Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo kết nối vùng, hướng tới xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành trung tâm của thành phố thông minh

Cụ thể, tỉnh đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với Quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng nhằm kết nối các huyện phía bắc của tỉnh và huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), xây dựng cầu qua sông Đồng Nai, cầu đường nối với tỉnh Tây Ninh… Bên cạnh đó, nhiều KCN tầm cỡ đã được hình thành, nhiều khu dân cư, khu đô thị cao tầng kiên cố, khang trang đã được xây dựng. Ngoài ra, các chương trình, đề án, dự án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tỉnh tập trung thực hiện góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo

Bình Dương là một trong những địa phương hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, tạo bước đi bền vững và vóc dáng mới trong tương lai, tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, trong đó nền tảng là phát triển các KCN, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha. Năm 2004, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương được khởi công xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Có thể nói, đây là một bước đi đột phá, mang tầm chiến lược của tỉnh, một điểm nhấn trong việc thực hiện mô hình phát triển công nghiệp tạo động lực phát triển đô thị và ngược lại, xây dựng và phát triển đô thị nhằm tạo ổn định xã hội để người dân trong và ngoài tỉnh yên tâm sống, làm việc, học tập và gắn bó lâu dài.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xác định hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư trước một bước để mở đường cho kinh tế phát triển, qua 25 năm xây dựng và phát triển, nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, kết nối với hệ thống giao thông vùng và quốc gia được xây dựng, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Hạ tầng công nghiệp của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, từng bước đầu tư mô hình KCN - đô thị KHCN để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hạ tầng đô thị được thực hiện quyết liệt, vừa cải tạo vừa xây dựng đô thị mới theo chiến lược phát triển đô thị thông minh với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, không gian đô thị ngày càng mở rộng.

Nằm giữa Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị là dự án thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha được khởi công xây dựng vào năm 2010. Thành phố mới được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại với các hạng mục chính, như: Trung tâm Hành chính tập trung; công viên, hồ nước trung tâm, trung tâm thể thao cộng đồng; Trung tâm Hội nghị - Triển lãm quốc tế; trường đại học quốc tế… Sau 4 năm tập trung đầu tư xây dựng, những hạng mục chính cơ bản đã hoàn thành năm 2014. Nơi này chính là “bộ não và trái tim”, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Bình Dương. Thành phố mới là hạt nhân của một thành phố Bình Dương hiện đại, năng động và bền vững trong tương lai với đầy đủ các loại hình phục vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận.

Bước vào giai đoạn 2016, Bình Dương một lần nữa đột phá, quyết tâm thực hiện chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, gia công, sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, với dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, ứng dụng mô hình “3 nhà”, tạo tiền đề vươn đến kinh tế tri thức, kinh tế số, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án Thành phố thông minh, tỉnh đã triển khai Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”, trong đó thành phố mới là đô thị trung tâm. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững; tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới. Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.

Một nhân tố không thể thiếu được trong Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là việc hình thành KCN khoa học công nghệ (KHCN). KCN KHCN là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao. Đặc biệt tại KCN KHCN, Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD) đang được đầu tư xây dựng và dự án Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ sớm được khởi công trong thời gian tới sẽ tạo “cú hích’’ trong phát triển đô thị hiện đại, xây dựng thành phố thông minh.

Những năm qua, Bình Dương không ngừng đẩy mạnh mở rộng hợp tác toàn cầu, gia nhập nhiều hiệp hội uy tín trên thế giới như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), Hiệp hội các Trung tâm Thương mại thế giới (WTC)… Liên tiếp 3 năm (2018-2020), Vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh vào tốp 21, đặc biệt là năm 2021 vào tốp 7 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Đây là những tiền đề quan trọng cho Bình Dương có thể bứt phá kinh tế - xã hội, đưa thương hiệu lên tầm quốc tế, xây dựng thành công thành phố thông minh. (Còn tiếp)

Công tác nâng cấp, nâng loại đô thị, Bình Dương có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị. Đến cuối năm 2020, theo phân loại, Bình Dương có 1 đô thị loại I (Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên); có 3 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An), 2 thị xã (Bến Cát, Tân Uyên). Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đạt 82%.

PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: