Bình Dương dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về Chỉ số cải cách hành chính
(BDO) Lấy sự hài lòng làm thước đo
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ, Bình Dương đạt 87,87/100 điểm, đứng hạng 13/63 tỉnh, thành trong cả nước, dẫn đầu các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. Trong đó, điểm về thẩm định, Bình Dương đạt 56,45 điểm; Chỉ số SIPAS đạt 8,78/10 điểm; khảo sát lãnh đạo, quản lý đạt 18,14 điểm; tác động đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đạt 4,50 điểm. Nhiều điểm số thành phần của Bình Dương cũng đã tăng điểm so với các năm trước, như: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, hiện đại hóa hành chính…
Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết CCHC nói chung và xác định Chỉ số CCHC nói riêng luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành; công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. “Hiệu quả công tác CCHC là thước đo, là công cụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC từ cấp tỉnh tới cấp xã”, ông Đẹp nói.
Toàn cảnh Hội nghị công bố Chỉ số CCHC (PARINDEX) 2021 và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2021
Theo ông Đẹp, kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Bình Dương năm 2021 được công bố đã tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, tính hiệu quả đối với các mục tiêu trong công tác CCHC mà tỉnh Bình Dương đang đặt ra, để hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, thông suốt. UBND tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố chú trọng CCHC, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong tỉnh.
Tập trung giải pháp nâng cao thứ hạng
Mặc dù đạt thứ hạng khá tốt so với các tỉnh, thành trong khu vực, tuy nhiên Bình Dương luôn phấn đấu phát triển, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong tương lai. Vì vậy, trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt mọi công tác về CCHC, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, như: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Song song đó là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nhận thức đúng, đồng thuận và chấp hành các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ CCHC của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Tỉnh tập trung cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân, doanh nghiệp, TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước; rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến đầu tư, điều kiện kinh doanh, đất đai, xây dựng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
HỒ VĂN - KHẮC TUẤN