Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và công nghiệp hóa, đô thị hóa (*)

2022-04-19 19:54:29

(BDO) Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, chiều 19-4, tham dự phiên chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu đánh giá những kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội; mô hình phát triển của Bình Dương, cách làm sáng tạo của Bình Dương là một dấu ấn nổi bật trong tiến trình đổi mới của đất nước.

Báo Bình Dương điện tử trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng. 

Thưa các đồng chí!

Hôm nay, tôi rất vui mừng được về thăm lại tỉnh Bình Dương và tham dự Hội thảo khoa học rất nhiều ý nghĩa: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”. Tôi được biết đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bình Dương. Hội thảo của chúng ta càng có ý nghĩa rất thiết thực đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương sau khi vừa trải qua một thời gian hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và trên nền tảng đó, để xây dựng một tầm nhìn và định hướng tương lai phát triển mới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu tham dự hội thảo hôm nay lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công mới.  

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại phiên chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị

Thưa các đồng chí!

Nhìn lại 25 năm qua, cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, tiếp nối thế hệ những địa phương đi đầu (như TP.Hồ Chí Minh) trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư và tiến hành công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự phát triển của Bình Dương không chỉ mang lại những kinh nghiệm quý báu mà còn là động lực và nguồn cảm hứng to lớn cho các địa phương khác vươn lên. Với cách tiếp cận đó, tại hội thảo hôm nay, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới của đất nước.

Thưa các đồng chí!

Kế thừa những thành quả của tỉnh Sông Bé, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, lại được tạo điều kiện thuận lợi bởi các cơ chế, chính sách của Trung ương, Bình Dương đã lựa chọn những cách làm mới, đúng đắn, sáng tạo để trở thành một trong những địa phương phát triển thành công nhất cả nước.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong 25 năm qua là rất nổi bật:

(1) GRDP bình quân đầu người hiện nay đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 103 lần sau 25 năm. Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay cũng không có cảng biển.

(2) Bình Dương là nơi “đất lành chim đậu”, là địa phương có sức thu hút mạnh mẽ đối với nguồn nhân lực có kỹ năng. Từ năm 1997 đến nay, dân số của tỉnh đã tăng gần 300%, điều này có nghĩa rằng: Hơn 2 triệu người đã chọn đến Bình Dương sinh sống và làm việc.

(3) Bình Dương cũng là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, là số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất “tỷ đô”. Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI). Mới đây, Tập đoàn Lego đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa carbon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đô-la ở Bình Dương cho thấy tỉnh là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.

(4) Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%. Năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm. Tỷ lệ đô thị hóa tăng mạnh, đạt 82% vào năm 2020, hơn gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, sớm nhận thấy tầm quan trọng của đô thị hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng, tỉnh đã thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp: xây dựng khu đô thị mới, hình thành Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, phát triển đô thị thông minh; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình Khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, Vùng Đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực phát triển mới cho tỉnh trong cả trung và dài hạn. Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã bốn lần liên tiếp vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 khu vực (Top 21) có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

 (5) Cơ cấu kinh tế hiện nay của Bình Dương theo các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tương ứng là 66,5%, 2,5% - 22,8%. Một cách toàn diện hơn, có thể nói, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. Bình Dương đã đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và hoàn toàn có tiền đề để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045.

(6) Không chỉ vượt trội trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, những kết quả đạt được trong các lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… của tỉnh Bình Dương trong 25 năm qua cũng rất ấn tượng, với nhiều dấu ấn. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Bình Dương đạt 0,736 thuộc vào nhóm cao của cả nước. 

Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực khắc phục các khó khăn và tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, bảo đảm an sinh, an ninh và an toàn, sức khỏe cho người dân, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới của đất nước, với những quyết sách hệ trọng như: Chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa… đã đem lại những cơ hội mới cho các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động… cũng như huy động thêm các nguồn lực mới từ trong và ngoài nước.

Những thành tựu đó còn phản ánh một mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước (mà có lẽ lần đầu tiên được thực hiện ở Bình Dương), đó là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.

Sự thành công của Bình Dương xuất phát từ sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Từ lúc khởi đầu, có được các chủ trương, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi từ Trung ương, chính quyền địa phương đã cùng với các doanh nghiệp trao đổi về những cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, đồng hành cùng các doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực phù hợp. “Chung lưng đấu cật cùng doanh nghiệp”, “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” là các khẩu hiệu được chính quyền các cấp của Bình Dương thực hiện một cách hiệu quả, nhất quán trong nhiều năm qua, đem lại những kết quả thiết thực, nổi bật.

Becamex IDC là mô hình công ty phát triển rất thành công, có một vai trò hết sức quan trọng góp phần định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua. Thành công đó là điều mà đến nay chưa có tập đoàn kinh tế nào làm được ở những địa phương khác trong cả nước và góp phần khẳng định một bài học kinh nghiệm: Địa phương muốn phát triển kinh tế - xã hội rất cần có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn.  

VSIP cũng là mô hình khu công nghiệp có dấu ấn nổi bật trong sự phát triển của Bình Dương. Từ điểm tựa thành công của khu công nghiệp đầu tiên tại Thuận An, đến nay, VSIP đã phát triển thành 11 khu công nghiệp ở khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Từ mô hình khu công nghiệp truyền thống, VSIP đã hình thành mô hình Khu liên hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Đặc biệt, sự ra đời của VSIP III tại Bình Dương đã trở thành hình mẫu mới về phát triển khu công nghiệp xanh gắn liền với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.

Mô hình phát triển của Bình Dương trong tiến trình Đổi mới của đất nước chính là mô hình độc đáo, hội đủ cách tiếp cận: “tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương”. Với cách làm sáng tạo, triệt để tận dụng “lợi thế đi sau”, Bình Dương đã chọn con đường “phát triển thông minh”, không ngừng tìm kiếm những cách làm mới để vươn lên, vượt lên và đạt được những kết quả nổi bật, từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới.

Thưa các đồng chí!

Dấu ấn công nghiệp hóa, đô thị hóa của Bình Dương trong những thành công vượt bậc của thời kỳ Đổi mới là rất rõ. Tới đây, hình thái phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn hậu phát triển công nghiệp trong khi công nghiệp hiện đang chiếm gần 3/4 nền kinh tế của Bình Dương.

Vượt lên được các trở lực này sẽ rất nhiều thách thức: Đại dịch Covid-19 và những biến động của địa chính trị toàn cầu làm cho Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng rất cần phải xác định lại mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Điều này càng cấp bách hơn đối với Bình Dương. Thực tiễn thế giới cho thấy, ở trình độ phát triển công nghiệp như Bình Dương hiện nay thường có hai xu hướng xảy ra: Thứ nhất, các địa phương nắm bắt rõ xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội có thể bước lên những nấc thang phát triển mới dựa vào đổi mới sáng tạo. Thứ hai, các địa phương không kịp thời thích ứng và chuyển đổi sẽ phát triển chậm lại và rơi vào vòng xoáy của bẫy thu nhập trung bình. Đây là điều mà Bình Dương cần nhận thức rõ, phân tích dự báo phải đúng và cần phải tránh.

Bình Dương đang ở tư thế sẵn sàng cho cuộc chạy đua lên đỉnh cao phát triển mới từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn đến giữa thế kỷ. Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác, tạo động lực cho cả nước đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, hiện thực hoá khát vọng vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để đạt được mục tiêu đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của cả nước nói chung và của Bình Dương nói riêng trong giai đoạn tới phải cao hơn giai đoạn vừa qua. Đây là một thách thức rất lớn, do theo nguyên tắc leo núi, khi càng lên cao thì tốc độ leo càng chậm lại.

Chúng ta đều biết, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất song cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển của mình. Tăng năng suất được thực hiện bởi ba con đường: (1) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. (2) Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô (cả nội tại và ngoại vi), khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng ngành, từng doanh nghiệp. (3) Tạo thuận lợi cho quá trình “nhập cuộc - rút lui” của các doanh nghiệp để mở rộng sân chơi và nguồn lực cho những chủ thể kinh tế hiệu quả nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, trên thế giới, chỉ có một số ít các quốc gia đang phát triển trong khoảng 3-4 thập niên gần đây vượt qua được “bẫy năng suất” và “bẫy thu nhập trung bình”. Đa số các quốc gia đó đều nằm ở Đông Á, với vị trí địa lý gần gũi, văn hóa khá tương đồng, nên có một số bài học quý giá liên quan đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có thể tham khảo.

(1) Chuyển dịch từ đa dạng hóa đến chuyên môn hóa

Các quốc gia thường có xu hướng đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng sau khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức khoảng 5.000 - 8.000 đô la Mỹ, các quốc gia bắt đầu chuyên môn hóa trở lại. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Bình Dương có thể đã bước vào giai đoạn cần chuyển hướng từ đa dạng hóa sang chuyên môn hóa các ngành sản xuất.

Cơ cấu các ngành công nghiệp chế tạo của Bình Dương còn khá đa dạng. Có 3 nhóm ngành công nghiệp chế tạo có tỷ trọng trong tổng lao động của tỉnh ở mức cao nhất (trong khoảng từ 8% đến 12%) đều là các ngành thâm dụng lao động (chế biến gỗ, sản xuất bàn, ghế, giường, tủ; may; da giày…). Các ngành này sẽ gặp thách thức khi dân số già hóa, thu nhập người dân tăng lên nên mức lương mà người lao động yêu cầu sẽ tăng lên. Trong tương lai, các ngành này sẽ bị kẹt ở giữa một bên là các tỉnh khác ở Việt Nam hay ở một số quốc gia khác với giá nhân công rẻ hơn, với một bên là các nước phát triển có tri thức, công nghệ cao hơn, gần với thị trường tiêu thụ lớn hơn nên vẫn nắm giữ các khâu thiết kế, bán hàng đến người tiêu dùng cuối cùng, tức là nắm giữ các khâu có giá trị gia tăng cao nhất của các chuỗi giá trị toàn cầu.

(2) Chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn và tài nguyên sang các hoạt động sản xuất thông minh, dựa trên đổi mới sáng tạo

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số là con đường ngắn nhất dẫn đến nền sản xuất thông minh. Trên thị trường, cần khuyến khích sự nhập cuộc của các công ty mới năng động, sáng tạo và sự rút lui của các công ty có sản phẩm hoặc công nghệ lỗi thời, lạc hậu.

Đổi mới sáng tạo luôn gắn với kỹ năng, tài năng và tri thức mới. Bình Dương cần thu hút tối đa nguồn lực này cả ở trong và ngoài nước. Sự hiện diện của một số trường đại học công nghệ, kỹ thuật ở Bình Dương hiện nay là rất quan trọng, cần được tiếp tục nâng cấp; đồng thời Bình Dương cũng cần tiếp tục khuyến khích để có thêm nhiều trường đại học có chất lượng về với tỉnh. Phát huy truyền thống “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và doanh nghiệp, Bình Dương sẵn có nền tảng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường.

Đặc biệt, sự năng động, tích cực và đổi mới sáng tạo của chính quyền địa phương là điểm sáng của Bình Dương, cũng là bài học quan trọng nhất giúp trả lời câu hỏi: Ttrong cùng một môi trường thể chế chính sách, với những điều kiện địa kinh tế tương đồng, có những địa phương phát triển bứt phá vượt lên, trong khi có những địa phương chững lại. Bình Dương có đủ điều kiện và nền tảng để tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới.

(3) Chuyển dịch trong quá trình đô thị hoá theo hướng phát triển hệ thống đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống

Thế giới hậu Covid-19 đứng trước ba xu hướng nổi bật, đó là: i) sự bùng nổ của các hoạt động kinh tế không tiếp xúc, ii) sự phát triển nhanh chóng của phương thức làm việc từ xa, và iii) giải nén mật độ dân số của các siêu đô thị. Với định hướng phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.Hồ Chí Minh hiện là nơi tập trung lực lượng lao động có kỹ năng và tài năng, song cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải về dân cư, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bình Dương cần tiếp tục khai thác lợi thế địa-kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa cao của tỉnh, để trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh và đáng sống, có quy mô vừa và nhỏ, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường sống…đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với TP.Hồ Chí Minh cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng số, góp phần giải nén dân cư cho TP.Hồ Chí Minh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.    

 (4) Chuyển dịch sang quá trình hội nhập đa tuyến, tăng cường liên kết vùng

Các nước Đông Á đều thực hiện ba làn sóng trong quá trình hội nhập: (i) hội nhập khu vực, (ii) hội nhập toàn cầu; và (iii) hội nhập trong nước. Trong làn sóng thứ ba, các quốc gia này đã tăng cường liên kết vùng chặt chẽ và đồng bộ hơn để khai thác tối đa các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại. Đồng thời, các nước này cũng đặc biệt chú ý đến một chiều cạnh quan trọng khác của tăng cường liên kết trong nước, đó là tăng cường gắn kết xã hội thông qua giảm thiểu bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người đều có thể tham gia và thụ hưởng từ quá trình tăng trưởng, bảo đảm không có ai bị bỏ lại phía sau.

Bình Dương có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi là nằm ở khu vực Đông Nam bộ - một vùng động lực kinh tế năng động và quan trọng nhất của cả nước, với tiềm năng kết nối dễ dàng với thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Lợi thế này giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận tải, chi phí thương mại, qua đó giúp tăng lợi thế cạnh tranh. Nhìn lại 25 năm qua, đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối là một trong những ưu tiên cao nhất nhằm giải quyết điểm nghẽn trong tăng trưởng, giúp thu hút được các nguồn lực, qua đó tối đa hóa lợi thế địa - kinh tế của Bình Dương. Hướng về 25 năm tới, với những ưu tiên mới như: Đầu tư cho hạ tầng số, xây dựng những đô thị đáng sống và thông minh, xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo…, hơn bao giờ hết, từ kinh nghiệm lịch sử, chúng ta càng thấm thía một châm ngôn: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi tới đích thì phải đi cùng nhau.

Thưa các đồng chí!

Bình Dương đã đi qua 1/4 thế kỷ với những kết quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình phát triển của Bình Dương, cách làm sáng tạo của Bình Dương là một dấu ấn nổi bật trong tiến trình đổi mới của đất nước. Trên nền tảng đã đạt được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, Bình Dương sẽ tiếp tục là một hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước; cùng với cả nước hiện thực hoá tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

(*):Tựa đề do Tòa soạn đặt

Báo Bình Dương