Bình Dương có sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn

Thứ hai, ngày 18/04/2022

(BDO) Không chấp nhận đánh đổi

Xuyên suốt hành trình phát triển, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương diễn ra rất nhanh chóng. Tuy vậy, những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử vẫn được Bình Dương giữ gìn. 

Ông Lý Ngọc Bạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, cho hay Bình Dương thu hút đầu tư có chọn lọc, nên về mặt môi trường vẫn được bảo đảm. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhưng di tích, miếu mạo, đình làng…vẫn được tỉnh nhà giữ gìn và phát huy. 

Bình Dương làm tốt công tác bảo tồn các công trình văn hóa, lịch sử. Trong ảnh: Nhà truyền thống – Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Xuân Thi

Hiện Bình Dương có 54 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh, với nhiều loại hình phong phú và đa dạng như lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Các di tích văn hóa có thể kể đến như di chỉ Cù lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa (TX.Tân Uyên), di chỉ Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một), vịnh Bà Kỳ (TX.Bến Cát), đình Phú Long (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An), đình Tân An, đình Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), đình Long Hưng, đình Tân Trạch (TX.Tân Uyên), chùa Hưng Long, chùa Long Thọ, chùa Hội Khánh, chùa Châu Thới…

Nghệ sĩ Hoàng Sơn chia sẻ, có nhiều lễ hội truyền thống của Bình Dương vẫn được giữ gìn và tổ chức long trọng cho đến ngày nay như lễ hội Chùa Bà, lễ hội miếu Ông Bổn, lễ hội Kỳ Yên…giúp tỉnh nhà bảo tồn những giá trị văn hóa cốt lõi. Các lễ hội này còn là một sản phẩm du lịch rất thú vị, thu hút khách thập phương về Bình Dương trẩy hội.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, trong phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã làm mất đi những giá trị văn hóa - lịch sử. Bài học bảo tồn và phát triển đã được Bình Dương đúc kết và thực hiện nghiêm túc. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh, lịch sử được bảo tồn, tôn tạo. Mọi người không những biết Bình Dương nổi bật về phát triển công nghiệp, mà còn nhớ đến Bình Dương là địa phương có nhiều nét văn hóa, lịch sử độc đáo đặc trưng của vùng Nam bộ.

Khai thác hiệu quả giá trị văn hóa - lịch sử

Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trung Hiếu chia sẻ, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là điều rất cần thiết, để thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, khai thác, phát huy nhằm phục vụ cho sự phát triển của Bình Dương. Cần giữ nguyên vẹn các di sản vật thể, không nên trùng tu theo kiểu pha tạp các yếu tố giữa truyền thống và hiện đại, không nâng cấp di sản theo kiểu làm biến dạng, làm to đẹp hơn chỉ nhằm thu hút du khách.

Đối với các di sản phi vật thể, có thể cải biên, nâng cao, phát triển để phù hợp với thời đại, tuy nhiên cần thận trọng và cân nhắc kỹ. Làm sao để bảo tồn tốt di sản, song lại khai thác được tiềm năng kinh tế từ di sản để phát triển văn hóa, xã hội. 

Theo ông Vương Trung Hiếu, Bình Dương có hơn 50% dân số là dân nhập cư nên có sự phát triển văn hóa phong phú và đa dạng. Những công trình kiến trúc, khảo cổ và danh lam thắng cảnh đã góp phần làm rõ diện mạo của Bình Dương, với những nét riêng độc đáo. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có những lễ hội đặc sắc, những làng nghề thủ công truyền thống, những di tích lịch sử, ẩm thực ấn tượng…

Việc quảng bá du lịch, tổ chức hội chợ, giới thiệu các lễ hội địa phương, các di tích lịch sử như Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ, nhà tù Phú Lợi, Cù lao Rùa, rừng lịch sử Kiến An, các danh thắng như nhà cổ, chùa, núi… sẽ góp phần tăng ngân sách, giúp khách du lịch bốn phương hiểu rõ hơn về vùng đất Bình Dương.

Các làng nghề truyền thống, nổi bật như điêu khắc gỗ, đồ gốm, tranh sơn mài đã từng tham gia hội chợ quốc tế, xuất khẩu cũng là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của Bình Dương.

Bình Dương có lợi thế, sức cạnh tranh, thu hút nhiều du khách một phần là nhờ những đặc sản như trái cây Lái Thiêu, đặc biệt là măng cụt, với những món ngon như bún tôm, bánh bèo bì, gà quay xôi phồng, gỏi gà măng cụt, bò nướng ngói, lẩu bò nhúng mắm ruốc, mít hầm, rau biển, tép um, bánh bao nướng…Nếu có sự đầu tư hợp lý, ngành du lịch tỉnh nhà hoàn toàn có thể cất cánh và đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Khai thác hết tiềm năng về văn hóa - lịch sử - du lịch…trong tương lai không xa, Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách gần xa.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết trong quá trình phát triển, có giai đoạn môi trường tại Bình Dương bị ảnh hưởng nặng. Tuy vậy, Bình Dương đã rất nhanh chóng điều chỉnh, bằng cách chọn lọc các nhà đầu tư chất lượng, tôn tạo và giữ gìn các di tích văn hóa, lịch sử…
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nếu Bình Dương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng dịch vụ thì nên khai thác tối đa các giá trị văn hóa - lịch sử để làm du lịch. Đây là nguồn thu rất đáng kể.

Phùng Hiếu

Từ khóa: