Bình Dương CNH dưới góc nhìn chuyên gia: “Quá khứ chứng minh cho hiện tại và bảo đảm cho tương lai...”
Bình Dương, Sông Bé cũ vốn có một xuất phát điểm là kinh tế nông nghiệp và nghề tiểu thủ công nghiệp. Ấy vậy mà chỉ sau gần 15 năm, vùng đất này đã khoác trên mình một chiếc áo công nghiệp hóa (CNH) - đô thị hóa đầy màu sắc làm nhiều người từ ngạc nhiên đến nể phục. Nhân dịp tết đến xuân về, phóng viên Báo Bình Dương đã ghi nhận những góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý về sự trỗi dậy ngoạn mục của Bình Dương trên chặng đường CNH, hiện đại hóa, ngõ hầu cùng bạn đọc gần xa chia sẻ, suy ngẫm...
Đột phá thu hút đầu tư, công nghiệp hóa
Với 28 khu công nghiệp có tổng diện tích 8.751 ha, đến nay lũy kế thu hút FDI của tỉnh đã đạt trên 2.000 dự án có tổng vốn gần 14 tỷ USD, tăng trưởng GDP bình quân luôn ở mức trên 14% hàng năm là một thành quả ấn tượng của Bình Dương trên chặng đường phát triển kể từ khi bắt tay vào thực hiện CNH, đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bình Dương. Ông Nguyễn Thiềng Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng: “Sự trỗi dậy ấn tượng của Bình Dương thường được đánh giá ở câu nói nổi tiếng: Bình Dương trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài. Và tôi nghĩ đến bây giờ, chiếc chiếu hoa đó vẫn tiếp tục được trải để mời các nhà đầu tư. Bình Dương mời được nhà đầu tư bằng cơ chế và những mối quan hệ giải quyết về thủ tục đầu tư, tức tạo được môi trường đầu tư rất tốt, rất thông thoáng...”. Theo ông Đức, bên cạnh chiếc chiếu hoa ấy, còn có một điều tối quan trọng là Bình Dương tập trung phát triển rất mạnh về cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông của Bình Dương đã mở ra một Bình Dương khác hẳn với các địa phương khác. Hệ thống giao thông thông thoáng, mở rộng tới mọi nơi, mở rộng phạm vi, nên các nhà đầu tư rất dễ dàng thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh vào những lĩnh vực mà họ mong muốn.
Thành tựu từ CNH không chỉ bởi trải chiếu hoa mời gọi đầu tư mà còn bởi tập trung mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. (Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương, tuyến đường huyết mạch của Bình Dương)
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư trải nghiệm: “Nếu nhìn lại một chút, trước đây Bình Dương là vùng chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm đồ gốm. Tuy nhiên sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, lãnh đạo tỉnh Bình Dương ngay từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước đã đưa ra một chính sách nổi tiếng với khẩu hiệu trải chiếu hoa mời gọi đầu tư. Những nỗ lực tổng hợp, từ lãnh đạo, chính quyền, cho đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các cộng đồng doanh nghiệp và người dân, với một sức mạnh tổng hợp từ chủ trương đúng đắn của địa phương, Bình Dương hiện nay đã vươn lên vị trí đứng thứ 5 trong cả nước về thu hút FDI. Trong nhiều năm liền (trước 2009), Bình Dương luôn đứng ở vị trí số 1 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). Hiện nay Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương CNH, hiện đại hóa và nếu so sánh với Hà Nội, TP.HCM thì chưa bằng, nhưng với một cơ sở nền tảng thấp như trước đây, Bình Dương đã đạt được những kết quả như ngày nay, đó là một thành tựu rất lớn...”.
Cả nước nhập siêu, Bình Dương xuất siêu!
Không chỉ đột phá trong tư duy thu hút đầu tư phát triển CNH, nền sản xuất của Bình Dương đang tỏ rõ sự phát triển bền vững nếu như nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Bình Dương tăng bình quân 22,9% trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 21,1%. Trong năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,294 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 7,126 tỷ USD. Như vậy, Bình Dương xuất siêu khoảng hơn 1 tỷ USD là một thành quả đáng tự hào, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và nhập siêu của cả nước tăng cao.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Thiềng Đức cho rằng, nếu sản xuất hàng hóa ra và tiêu thụ được, xuất khẩu được có nghĩa là sản phẩm của Bình Dương đã được thế giới đón nhận. Đây cũng có thể xuất phát từ lợi thế các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với những lợi thế sẵn có của Bình Dương về nhân công, tiềm lực khác, để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. “...Như thế thì chuyện xuất siêu của Bình Dương là chuyện tất nhiên, với điều kiện đã thu hút được đầu tư và với lợi thế về nhân công, đất đai thổ nhưỡng...”, ông Đức bình luận. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hưng phân tích: “...Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Bình Dương đang tập trung sản xuất các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu. Trong gần 20 năm phát triển thu hút FDI và tạo môi trường thuận lợi như vậy, đã tạo động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu của Bình Dương và đưa đến một kết cục khác với các địa phương khác: Bình Dương xuất siêu còn cả nước nhập siêu!...”.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, hiện nay, việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng, có sự quan tâm lớn của cả cộng đồng quốc tế, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương. Cùng trong xu hướng chung đó, Bình Dương cũng như các địa phương khác phải nỗ lực hết mình để không chỉ phát triển sản xuất, mà phải hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Còn ông Nguyễn Thiềng Đức quan niệm: “Phát triển bền vững là cái ta mong muốn, kỳ vọng nhưng phải hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta không thể phát triển bền vững nếu làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường hay phải nhờ ngoại lực quá nhiều. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán đó, thì tôi nghĩ là Bình Dương hay bất cứ một địa phương nào, có thể phát triển bền vững theo kỳ vọng của mình...”. Theo đó, ông Đức cho rằng, một điều chắc chắn là phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, với lộ trình và với đà phát triển của mình. “...Tôi nghĩ rằng, Bình Dương với thế mạnh của mình, sẽ suy nghĩ ngay đến cái thế mạnh đó để phát triển đồng bộ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm và đặc biệt là với các tỉnh lân cận, bởi vì hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm vẫn là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu... Quá khứ chứng minh cho hiện tại và bảo đảm cho tương lai. Tôi nghĩ lãnh đạo Bình Dương sẽ biết cần phải làm gì cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới...”, ông Đức bày tỏ niềm tin.
THÀNH SƠN