Bình Dương chú trọng thu hút vốn đầu tư trong nước
(BDO)
Hoạt động sản xuất tại Doanh nghiệp gỗ Minh Phát (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY
Đó là khẳng định của ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tại hội nghị tiếp xúc đại diện các hiệp hội ngành hàng và các DN đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh tổ chức sáng qua (7-8). Dự hội nghị có ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tạo điều kiện tốt nhất cho DN
Trình bày ý kiến tại hội nghị, đại diện các DN đồng tình với nhận định của ngành chức năng về tình hình sản xuất, kinh doanh năm nay có nhiều thuận lợi, đơn hàng tăng; đồng thời cho biết hiện các DN đang tập trung sản xuất, nỗ lực hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2019.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Nam cho biết, hiện tỉnh đang nghiên cứu tuyến đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép - Thị Vải, khả năng mở rộng lên Lộc Ninh. Dọc tuyến đường sắt này, tỉnh sẽ bố trí các khu logistics bảo đảm thuận lợi nhất cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp. |
Đại diện các DN đánh giá cao việc tỉnh thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; khẳng định các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mở ra nhiều cơ hội để DN đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, tuy nhiên đi kèm theo đó là không ít khó khăn, thách thức trong việc nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, khó khăn chung hiện nay của các DN là vấn đề tuyển dụng lao động qua đào tạo, thủ tục để vay vốn ngân hàng, mặt bằng sản xuất còn gặp khó, chi phí logistics cao, DN hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường... Đại diện các DN đề xuất tỉnh xây dựng trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trung tâm hội chợ- triển lãm… Đại diện nhiều DN kiến nghị tỉnh có biện pháp hữu hiệu chống gian lận thương mại, đặc biệt là trong việc nhập hàng nước ngoài vào Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi từ các DN trong nước; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của DN.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho biết hiện nay giao thông liên vùng TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương đã không còn đáp ứng với công suất lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, đường sá chật hẹp cũng là nguyên nhân khiến giá dịch vụ logistics tăng mạnh, cùng giá xăng dầu tăng khiến các DN trong nước gặp khó. Ông kiến nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan sớm có giải pháp nâng chất cơ sở hạ tầng, đặc biệt đầu tư mở rộng các tuyến đường trọng điểm kết nối liên vùng…
Về vấn cơ sở hạ tầng, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam khẳng định lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng trong thời gian tới. Tới đây, hệ thống đường bộ của tỉnh sẽ tương đối linh hoạt với sự đầu tư mở rộng một số tuyến đường như quốc lộ 13, đường ĐT743, đầu tư đường vành đai Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; đồng thời khai thác việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông, đường sắt...
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết UBND tỉnh đang giao các ngành liên quan triển khai một số đề án hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện để DN phát triển, trong đó có chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhằm tổ chức triển khai đạt hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Song song đó, tỉnh huy động các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng cung cấp điện. Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ công nhân và người lao động; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi nhất để DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương.
Nóng vấn đề gian lận thương mại
Một vấn đề rất được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm là chống gian lận thương mại. Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ mang đến trong thời gian tới.
Ông Tín đánh giá, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do giúp DN trong nước có lợi thế về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Tuy nhiên, những lợi thế này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng hóa bên ngoài được chuyển vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường thành viên hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nóng của Việt Nam. Đơn cử là vụ việc Cơ quan Thương mại Mỹ ra thông báo điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Đây là động thái của Mỹ khi họ cho rằng các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất đi Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc. Họ dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ.
Trong thời gian tới, không những đồ gỗ, các sản phẩm dệt may, nhôm, thép cũng sẽ được Mỹ đưa vào diện giám sát đặc biệt để tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu đưa vào diện áp thuế cao, trừng phạt thương mại, gây những hậu quả rất lớn cho các DN Việt Nam. Ông Tín lưu ý, các DN nước ngoài giả mạo xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3 với mục đích tận dụng ưu đãi về thuế tại thị trường Việt Nam. Nhất là trong điều kiện đang xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các cơ quan quản lý cũng như các DN Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này. Theo ông Tín, hiện các DN mong muốn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính quyền thân thiện, minh bạch và hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
TIỂU MY