Bình Dương chú trọng thu hút dòng vốn FDI xanh

Thứ ba, ngày 25/04/2023

(BDO) Bình Dương đang chú trọng thu hút dòng vốn nước ngoài (FDI) đầu tư cho tăng trưởng xanh. Hiện Bình Dương trở thành điểm đến sản xuất của nhiều dự án xanh. Nổi bật là dự án xanh của nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trong lĩnh vực đồ chơi Lego, tiếp đến là dự án nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo sản xuất đồ trang sức của Pandora, gần đây nhất là Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) quyết định đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN) trung hòa carbon (Net Zero) đầu tiên tại tỉnh.

 Chuyển đổi mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh cũng nhằm chuẩn bị hệ sinh thái để đón thêm nhiều dòng vốn FDI xanh. Trong ảnh: KCN - đô thị Bàu Bàng quy hoạch hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu nhà đầu tư

 Xu hướng tất yếu

Hơn 200 triệu đô la Mỹ (tương đương 4.700 tỷ đồng) là cam kết của Tập đoàn SEP trong việc xây dựng CCN trung hòa carbon đầu tiên tại CCN Tam Lập 2, huyện Phú Giáo với 3 hạng mục: Sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng hệ thống xử lý chất thải - nước thải; công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp. Dự án CCN Tam Lập 2 dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2023 với diện tích 180 ha. Sau khi hoàn thành, CCN này dự kiến thu hút khoảng 20 DN Hàn Quốc là thành viên của SEP tham gia và đầu tư các giải pháp trung hòa carbon.

Ông Huyn Dong Hoon, Chủ tịch Tập đoàn SEP, cho biết rác thải trong CCN sẽ được thu gom, tái chế, tạo nhiệt và điện, cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Nước thải cũng được xử lý khép kín để không ảnh hưởng tới môi trường. Đặc biệt là sử dụng vỏ trấu, tạo nên nguyên liệu sản xuất cao su như lốp xe, đế giày... cung cấp cho các DN trong CCN để phục vụ sản xuất.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết việc phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) đơn thuần sang mô hình KCN xanh là định hướng quan trọng để đón dòng vốn chất lượng. Mặc dù việc phát triển kinh tế xanh của tỉnh mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, không ít thách thức cho cả địa phương và DN trên con đường phát triển xanh. Nhưng việc đặt mục tiêu tăng trưởng xanh từ sớm sẽ giúp Bình Dương tiếp tục định hướng trong thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ và giám sát hiệu quả các hoạt động của DN. Cùng với đó, DN sẽ phát triển bền vững, ngày càng được tín nhiệm hơn.

Bình Dương đang tăng tốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Tỉnh tiếp tục xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh xã hội. Trong đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Vừa qua, tại Singapore cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC và Công ty Sembcorp Development LTD về việc hợp tác hình thành và phát triển 5 KCN theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la Mỹ.

“Xanh hóa” sản xuất đang là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Ông Raghu Narayaham, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tata Coffee Việt Nam, chia sẻ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số đang trở thành xu thế được nhiều DN trên thế giới lựa chọn. Tại Việt Nam, xu thế này ngày càng diễn ra mạnh mẽ với sự vào cuộc của Chính phủ, cơ quan bộ, ngành, các DN trong và ngoài nước. “Là DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm, đồ uống, chúng tôi hiểu rằng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là “chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Vì thế, tại Tata Coffee, chúng tôi đang cố gắng từng bước xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong sản xuất”, ông Raghu Narayaham cho biết.

Bên cạnh việc hình thành các KCN kiểu mới, hệ sinh thái cho lĩnh vực công nghệ cao, tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện di dời DN ngoài các khu, CCN để phát triển bền vững. Qua đó, để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái định cư các DN sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường. Trong số đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực quanh các đô thị phía nam lên khu vực phía bắc.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đang sẽ rà soát lại các khu, CCN sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho DN di dời nơi cơ sở sản xuất cũng như chuyển đổi công năng sản xuất phù hợp. Về phương án, sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh quy hoạch một CCN kiểu mẫu để thí điểm các mô hình nhà máy di dời phát huy hiệu quả, sau đó triển khai đại trà trong thời gian tới. Việc hoàn thành đề án di dời các nhà máy trong khu dân cư có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ vào các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh trọng tâm phát triển trong những năm tới của tỉnh là ưu tiên phát triển có chất lượng, hiệu quả. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và Vùng đổi mới sáng tạo trở thành cực phát triển mới, phù hợp với xu hướng của quốc tế.

 NGỌC THANH