Bình Dương chú trọng mở rộng, đa dạng mạng lưới giao thông
(BDO) Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đang tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông. Trong đó, tỉnh rất chú trọng vào mạng lưới đường sắt và mở rộng các cảng biển, bến xe trên địa bàn.
Cảng IDC TBS - Tân Vạn dự kiến sẽ tăng thêm diện tích hơn 30 lần so với hiện nay Ảnh: P.HIẾU
Tăng cường mạng lưới đường sắt
Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay đi qua địa phận Bình Dương có chiều dài khoảng 9km, lộ giới 9m, diện tích khoảng 23,32 ha. Hai ga Sóng Thần và Dĩ An hiện chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Dự kiến, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có thêm ga An Bình (71 ha) và ga Nghĩa Sơn (0,72 ha). Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016- 2020, Bình Dương sẽ tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đoạn đi qua Bình Dương dài 55,2km. Tuyến đường sắt nối Bình Dương - Bình Phước theo quy hoạch sẽ được bố trí 5 ga, thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa.
Đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho biết, nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh sẽ tăng nhanh trong vài năm tới. Chính vì thế, hệ thống đường sắt sẽ góp phần đa dạng phương tiện đi lại, giảm áp lực kẹt xe cho thành phố Bình Dương trong tương lai. Điểm đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ nỗ lực hoàn thành tuyến đường sắt đô thị dài 28,2km, tuyến kết nối trung tâm tỉnh với Thuận An, Dĩ An và Khu du lịch Suối Tiên. Tuyến đường sắt này sẽ xây dựng trên cao và UBND tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng trước năm 2020. Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị dự kiến sẽ hình thành sau năm 2020 bao gồm: Thủ Dầu Một - TP.Hồ Chí Minh, Thành phố mới Bình Dương - Mỹ Phước - Bàu Bàng- Long Nguyên, Thành phố mới Bình Dương - Uyên Hưng - Tân Thành, Vĩnh Phú - Uyên Hưng, Thành phố mới Bình Dương- Phước Vĩnh và Mỹ Phước - Dầu Tiếng, giúp đường sắt “phủ sóng” toàn bộ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Mở rộng cảng, bến xe
Bình Dương là một trong những địa phương quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; dân số dự kiến đạt 2,5 triệu người vào năm 2020, kéo theo áp lực lớn cho hạ tầng giao thông. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, tỉnh đã tăng diện tích đất phục vụ cho các bến xe và trạm dừng chân trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020. Hiện Bình Dương có 8 bến xe, diện tích chưa tới 5 ha. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng diện tích Bến xe Phú An (TX. Thuận An) từ 0,45 ha lên 2 ha, Bến xe Bàu Bàng từ 0,56 ha lên 1 ha, Bến xe Bến Cát từ 0,62 ha lên 1 ha. Tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng mới 9 bến xe ở các huyện, thị, thành phố với tổng diện tích 25,2 ha, cùng với đó là 3 trạm dừng chân tại các huyện Phú Giáo, Bàu Bàng và TX.Thuận An với diện tích 4,96 ha.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 23.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, nhu cầu kho bãi, vận chuyển lưu thông hàng hóa trong và ngoài tỉnh đang tăng cao từng ngày. UBND tỉnh đã có kế hoạch mở rộng, xây dựng thêm một số cảng sông phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp. Cụ thể, cảng Thạnh Phước dự kiến mở rộng từ 24,3 ha lên 53 ha; Cụm cảng Thái Hòa xây dựng mới diện tích 15 ha. Riêng các cảng Rạch Bắp, Bến Súc, Thanh An, Phú An, Bà Lụa cũng được quy hoạch xây dựng và tăng diện tích trong giai đoạn 2016-2020… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cạn (ICD) Sóng Thần và TBS - Tân Vạn. Trong đó, ICD Sóng Thần diện tích 50 ha; ICD Tân Vạn sẽ được mở rộng từ 2,6 ha lên 73,12 ha trong giai đoạn 2016-2020.
Thực tế trên cho thấy, Bình Dương đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ với những tính toán và tầm nhìn chiến lược dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Theo UBND tỉnh, Bình Dương sẽ đóng góp công sức của mình vào tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cà Mau. Theo quy hoạch, toàn tuyến này dài 320km; trong đó giai đoạn trước năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng đoạn TP.Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, đoạn còn lại sau năm 2020 sẽ thực hiện, từ đó giao thông đường sắt hoàn thành nối liền từ Bắc vào Nam. Riêng đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 5,7km, dự kiến xây dựng đường đôi, khổ 1.435mm, với trạm khách ở Vĩnh Phú (TX.Thuận An). Đây là tuyến đường sắt huyết mạch nối các khu công nghiệp ở Tây Nam bộ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
PHÙNG HIẾU