Bình Dương chủ động đầu tư hạ tầng kết nối vùng

Thứ tư, ngày 29/03/2023

(BDO) Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, từ lâu đã trở thành vùng kinh tế năng động sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước. Phát huy vai trò, vị thế trong vùng, Bình Dương đã chủ động phối hợp đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế địa phương nói riêng, vùng ĐNB nói chung.

Qua quá trình đầu tư phát triển, Bình Dương có hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi để kết nối vùng. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào khai thác đã đáp ứng tốt nhu cầu của nền kinh tế tỉnh nhà và các địa phương trong vùng

Động lực tăng trưởng quan trọng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Bình Dương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, có lợi thế cạnh tranh. Bình Dương có đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho vùng ĐNB và cả nước. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh, như Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Điều đặc biệt là những tuyến đường này được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, được hoàn thiện từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Bình Dương xác định sẽ thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học công nghệ, để lại không gian phía nam cho phát triển đô thị - dịch vụ và thương mại”.

Cũng theo ông Võ Văn Minh, điều này đồng nghĩa Bình Dương sẽ tận dụng tốt được lợi thế của các đường vành đai và giao thông đường thủy đang được các địa phương trong vùng khẩn trương triển khai thực hiện để hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại. Bình Dương sẽ hình thành nên mảnh ghép cần thiết trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐNB.

Chủ động phối hợp

Theo ông Võ Văn Minh, giao thông phát triển đi đầu, thông suốt sẽ tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển. Do đó, nhằm triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và các dự án giao thông kết nối tỉnh Bình Dương với các địa phương trong vùng ĐNB, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chủ động làm việc, phối hợp với lãnh đạo các tỉnh trong vùng.

Cụ thể, vừa qua tại Trung tâm Hành chính tỉnh, ông Võ Văn Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và các tuyến giao thông của mỗi địa phương nhưng có tác động vùng.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá cao Bình Dương đã chủ động trao đổi các vấn đề kết nối. Theo ông Nguyễn Văn Thọ, việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng cần các địa phương cùng nhau thực hiện mới thành công, cần thống nhất phương pháp, thời gian, lộ trình. Ông Nguyễn Văn Thọ đánh giá Vành đai 4 là tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển đô thị, dịch vụ, kinh tế các địa phương trong vùng, do đó các địa phương cần quan tâm, tập trung thực hiện. Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng thống nhất cao tinh thần của Bình Dương trong đầu tư kết nối vùng. Theo ông Cao Tiến Dũng, cần phối hợp đẩy nhanh việc thực hiện các tuyến giao thông kết nối vùng để kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Đặc biệt, gần đây nhất tại hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐNB diễn ra tại tỉnh Bình Phước, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng cần có sự phối hợp, hợp tác để phát triển trong thời gian tới, nhất là trong hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Tại hội nghị, theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, để phát triển vùng ĐNB, vai trò liên kết các tỉnh, thành trong khu vực rất quan trọng. Cùng chung quan điểm với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho rằng Bình Phước rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. “Địa phương đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng ĐNB, trong đó trọng tâm là cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)”, bà Trần Tuệ Hiền nói.

Trước đó, để tăng cường tạo kết nối liên tỉnh, liên vùng, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trong vùng ĐNB, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã làm việc với đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Bình Phước về công tác quy hoạch kết nối vùng và các điểm kết nối giao thông chính giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tại buổi làm việc, bà Trần Tuệ Hiền đánh giá cao tinh thần chủ động phối hợp của tỉnh Bình Dương trong đầu tư xây dựng các công trình kết nối giữa hai tỉnh, đồng thời tiếp thu đề xuất của tỉnh Bình Dương.

Dù là địa bàn giáp ranh, đến nay kết nối giao thông mang tính liên kết vùng giữa Đồng Nai và Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong liên kết vùng giữa hai tỉnh, trong năm 2022 lãnh đạo hai địa phương đã có những buổi làm việc về tiến độ thực hiện các dự án kết nối giao thông. Đồng thời qua khảo sát thực tế, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thống nhất bổ sung 4 vị trí cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé.

Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có 27 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000 ha. Bình Dương là “điểm đến” của nhà đầu tư trong và ngoài nước, số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 cả nước, mô hình VSIP đang nhân rộng ra nhiều địa phương. Với chủ trương “giao thông đi trước một bước”, Bình Dương đã đầu tư xây dựng các tuyến “xương sống” như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Thủ Biên - Đất Cuốc, tuyến đường và cầu nối Tây Ninh… Đặc biệt, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai xây dựng tuyến Vành đai 3, Vành đại 4, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh để kết nối liên vùng, mang lại sự đột phá về kinh tế cho địa phương và cả vùng.

* Tại buổi làm việc với các tỉnh trong vùng mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh thống nhất tăng cường hợp tác vùng hài hòa. Ông đề nghị mỗi quý lãnh đạo các địa phương làm việc với nhau một lần, từng địa phương đăng cai. Các địa phương cần chú trọng vấn đề phát triển đường sắt, quy hoạch ven sông. Theo ông Phan Văn Mãi, các đề án, dự án của từng địa phương được giao trong Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị có tác động đến phát triển vùng. Ông đề xuất các tỉnh cần trao đổi, xin ý kiến thành lập quỹ phát triển giao thông vùng.
* Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết: “Cùng với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và lợi thế phát triển đã hình thành nên “một tứ giác phát triển” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc Bình Dương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối giao thông với mạng lưới các khu công nghiệp và tổ chức đô thị đã là điển hình thành công trong phát triển kinh tế địa phương”.

(Còn tiếp)

PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: