Bình Dương cần trợ lực để phục hồi, phát triển

Thứ ba, ngày 04/01/2022

(BDO)  Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến về “Thích ứng linh hoạt, an toàn để phục hồi kinh tế - xã hội (KT-XH)” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, sau trận đại dịch kéo dài, Bình Dương cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành để sớm phục hồi, phát triển KT-XH.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân Nhà máy Sữa Mega thuộc Công ty Vinamilk (TX.Bến Cát) trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng

Nhanh chóng bắt nhịp trở lại

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Bình Dương trong việc thực hiện các biện pháp khôi phục, phát triển KT-XH trong trạng thái “bình thường mới”. GS Nguyễn Xuân Thắng cho biết sau khi kết thúc chương trình hội thảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ có văn bản chính thống gửi Chính phủ và các bộ, ngành về việc hỗ trợ Bình Dương phục hồi, phát triển KT-XH.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bình Dương sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ cộng đồng DN và người dân phục hồi KT-XH. Bình Dương quyết tâm xây dựng tỉnh nhà trở thành trung tâm KT-XH thông minh, phát triển bền vững theo các tiêu chí đề ra tại đề án thành phố thông minh. Để đạt được những mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh kêu gọi cộng đồng DN và người lao động tiếp tục chung tay, gắn bó với tỉnh nhà, đồng thời rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành giúp tỉnh nhà vượt qua thời kỳ gian khó.

Cụ thể, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp những định hướng, phương án, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành sớm có phương án, lộ trình cụ thể hỗ trợ Bình Dương phục hồi và phát triển. GS Nguyễn Xuân Thắng cũng kỳ vọng nền KT-XH Bình Dương với nguồn nội lực mạnh mẽ, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung ương sẽ sớm trở lại với tốc độ tăng trưởng ấn tượng như những năm qua. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cũng mong Bình Dương sớm đạt được mục tiêu lớn là xây dựng thành công thành phố thông minh với hệ sinh thái KT-XH phát triển bền vững.

Cùng quan điểm với các chuyên gia trong và ngoài nước, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho rằng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng DN và người dân tỉnh nhà đã luôn kề vai, sát cánh cùng nhau. Đối với một địa phương có nền kinh tế phát triển năng động thuộc hàng tốp đầu của cả nước, đại đa số dân cư là những người nằm trong độ tuổi lao động, Bình Dương là địa phương đi đầu trong việc thu ngân sách cho quốc gia. Hỗ trợ Bình Dương tiếp tục phát triển, đóng góp cho quốc gia là việc rất cần thiết.

Trải qua nhiều ngày vất vả ứng phó với đại dịch, Bình Dương đã kịp thời ban hành những chính sách mới, chủ động giúp người dân cũng như DN phục hồi. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ DN cải thiện năng lực quản trị. Đây được xem là một trong những yếu tố then chốt, tạo tiền đề giúp thúc đẩy sự chuyên nghiệp của một DN khi tham gia vào môi trường kinh doanh hậu Covid-19. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi tham gia thủ tục hành chính công liên quan, giúp DN giảm được một lượng lớn thời gian và chi phí để tiếp tục vượt khó, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng.

Hướng tới tầm mức cao hơn

Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhưng các chuyên gia kinh tế đều khẳng định nền KT-XH của Bình Dương sẽ sớm phục hồi và phát triển mạnh hơn trong những năm tới. Luận điểm trên được đưa ra dựa trên các yếu tố khách quan và nội tại của tỉnh nhà như vị trí địa lý nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chính quyền năng động và cởi mở, cộng đồng DN giàu tiềm lực tài chính, luôn gắn bó với địa phương…

Tuy nhiên, để hướng tới những mục tiêu xa hơn, lớn hơn, thời gian tới Bình Dương cần sự chung tay, trợ lực và đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và người lao động. Đây là điều kiện cần, lãnh đạo tỉnh và cộng đồng DN luôn mong đợi. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng với nỗ lực của Bình Dương sẽ sớm đưa kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và phát triển.

Nhìn bao quát các yếu tố, nhận định về sự vươn xa, vươn cao đối với Bình Dương hoàn toàn có đủ lý lẽ thuyết phục. Theo đó, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, những năm qua Bình Dương cũng thường xuyên đầu tư các dự án phát triển bền vững như thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo, Khu công nghiệp khoa học - công nghệ, các công trình hạ tầng kết nối… Đó là những dự án tiêu biểu, phù hợp với mục tiêu phát triển.

Định hướng chuyển đổi số và quản lý đô thị thông minh là câu chuyện dài hơi, ở tầm vĩ mô mà Bình Dương luôn ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở phân tích, định hướng phát triển rạch ròi qua các giai đoạn, Bình Dương đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công đề án thành phố thông minh trong giai đoạn 2025-2030 với hệ sinh thái kết nối, phát triển bền vững trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, công nghệ làm bệ phóng và luôn phát triển thân thiện với môi trường.

 TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, Đại học Sydney, Australia: Làn sóng bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trên một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang trở nên căng thẳng và mạnh mẽ hơn trước. Bình Dương cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Bình Dương cần có lộ trình, phương án cụ thể giúp ngành y tế tỉnh nhà nâng cao năng lực điều trị và cơ sở hạ tầng y tế.

ĐÌNH THẮNG