Bình Dương cần thêm hơn 2 triệu liều vắc xin để tiêm đủ 2 liều cho người dân
(BDO) Tăng tốc tiêm chủng
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết chiến lược tiêm vắc xin của tỉnh là ưu tiên tiêm mũi 1 để đạt độ bao phủ vắc xin toàn dân, hướng đến miễn dịch cộng đồng. Dự kiến đến ngày 10-9, 100% dân số Bình Dương từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Nếu toàn dân Bình Dương được tiêm đủ 2 liều vắc xin thì tỉnh cần hơn 4 triệu liều. Bộ Y tế đã phân bổ cho tỉnh hơn 2,1 triệu liều nên tỉnh cần thêm gần 2 triệu liều nữa; trong đó có 750.000 liều Sinopharm tiêm mũi 2, khoảng 1.200.000 liều Astra Zeneca, Moderna, Pfizer. Riêng về vắc xin Moderna tỉnh đã tiêm hết 145.000 liều được phân bổ nên không còn vắc xin để tiêm cho mũi 2. Thống kê toàn tỉnh hiện còn 912.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2 chưa được tiêm.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: MINH DUY
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương thông tin thêm, theo kế hoạch, Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương 2,3 triệu liều vắc xin các loại, trong đó có 1 triệu liều Sinopharm. Tuy nhiên tỉnh chỉ nhận được 750.000 liều và đã nhận hết đợt. Trên cơ sở kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế, Bình Dương đã thực nhận 2.113.000 liều. Hiện tỉnh đã đem về 1.816.000 liều, còn hơn 300.000 liều là Astra Zeneca và Pfizer trong 2 - 3 ngày tới sẽ đưa về để tiêm đủ cho 2,1 triệu dân.
Số liệu thống kê đến ngày 5-9, toàn tỉnh đã tiêm được 1.406.000 liều vắc xin, chiếm tỷ lệ 77,4% so với lượng vắc xin thực nhận và khoảng 66% so với số lượng vắc xin được phân bổ. Tốc độ tiêm vắc xin của tỉnh trong những ngày qua được nâng lên rất nhanh. Đặc biệt khi tỉnh nhận 750.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm về thì mỗi ngày tiêm trung bình trên 100.000 liều và tăng dần từng ngày. Hiện tỉnh còn khoảng hơn 300.000 liều Sinopharm chưa tiêm. Trong 2 ngày tới, các đội tiêm sẽ tiêm hết số vắc xin này và sau đó tiếp tục tiêm thêm 300.000 liều Astra Zeneca và Pfizer đã phân bổ về.
Tại cuộc họp, Bình Dương kiến nghị Bộ Y tế tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi vì số lượng này nhiễm Covid-19 khá nhiều, hơn nữa học sinh các cấp chuẩn bị đi học trở lại. Đối với vắc xin Moderna không còn, tỉnh xin giải pháp tiêm mũi 2 thay thế là vắc xin Pfizer theo các thông tin từ quốc tế. Bởi Moderna và Pfizer là hai vắc xin tương tự nhau, cùng một cơ chế như nhau. Bộ Y tế cũng cần có hướng dẫn cụ thể với những người F0 đã khỏi bệnh thì có nên tiêm thêm 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Hiện nay một số nơi khuyến cáo không nên tiêm nhưng một số nơi thì khuyến cáo tiêm thêm 1 liều vắc xin nữa.
Người tiêm mũi 1vắc xin Moderna, mũi thứ 2 có thể thay bằng Pfizer
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cục sẽ cân đối lại số vắc xin đã phân bổ cho Bình Dương bao gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Sinopharm để tính toán phân bổ tiếp. Về tiêm vắc xin cho người nhiễm Covid-19, theo quyết định của Bộ Y tế thì người mắc Covid-19 sau 6 tháng mới có thể tính đến việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ trên 12 tuổi, Bộ Y tế cũng đã tính toán, dự trù số lượng trẻ em cần được tiêm chủng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay do lượng vắc xin khan hiếm, số lượng vắc xin tiếp nhận, phân bổ trên cả nước còn rất thấp, chỉ chiếm 25% so với nhu cầu của cả năm nên ưu tiên vắc xin cho đối tượng có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên.
Đến cuối năm, nếu lượng vắc xin về nhiều hơn thì sẽ tính đến việc tiêm vắc xin cho đối tượng dưới 18 tuổi. Riêng về vắc xin Moderna là vắc xin được tài trợ, không phải là vắc xin mua nên không có cam kết cung ứng và không biết khi nào sẽ được tài trợ. Do đó, bộ đồng ý với cách xử lý của Bình Dương đề xuất là nếu không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 thì thay thế bằng vắc xin Pfizer.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện nay vắc xin và thuốc điều trị là 2 vấn đề chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó bộ khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực tiếp cận vắc xin để đưa vắc xin về sớm nhưng vắc xin phải nằm trong danh mục của Bộ Y tế, được Bộ Y tế cấp phép và tổ chức tiêm chủng miễn phí cho người dân. Bộ Y tế nghiêm cấm thu tiền trong quá trình tiêm chủng dưới mọi hình thức và khắc phục ngay tình trạng chờ đợi, phân biệt vắc xin.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bình Dương và 3 tỉnh, thành (TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An) xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin chi tiết, cụ thể, hoàn thành kế hoạch trước ngày 10-9. Bởi sau ngày 15-9 sẽ có địa phương tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ hoặc trở về trạng thái “bình thường mới”. Kế hoạch này cần chi tiết đến tận các huyện, thị, thành phố. Trong kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 không giới hạn số lượng người tiêm chủng, nhưng cần lưu ý bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại mỗi điểm tiêm. Đặc biệt, các địa phương cần vận dụng linh hoạt thời gian tiêm và huy động mọi lực lượng tham gia tiêm chủng bảo đảm nhanh, an toàn, hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
KIM HÀ