Bình Dương cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh
(BDO) Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào chiều 20-7. Cùng dự buổi làm việc có các ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tại Bình Dương và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Đề nghị Trung ương hỗ trợ trang thiết bị y tế
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, Bình Dương đã triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch nhưng ca bệnh vẫn gia tăng nhanh do không kiểm soát được nguồn lây từ TP.Hồ Chí Minh, đồng thời đã có sự lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, khu phong tỏa, từ khu nhà trọ vào trong công ty và ngược lại. Những ca dương tính được phát hiện gần đây mang biến chủng vi rút từ Ấn Độ, đây là loại có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây ngắn (khoảng 2 - 3 ngày), do đó gặp rất nhiều khó khăn nếu chậm phát hiện ca dương tính. Nhiều ca bệnh được phát hiện tại cơ sở y tế qua test nhanh gia tăng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: KIM HÀ
Hiện nay, ngành y tế tỉnh đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, như: Công nhân nhà trọ, người dân sinh sống xung quanh khu vực nhà trọ, người buôn bán ở các chợ hoặc hàng quán xung quanh các khu nhà trọ, khu vực bến xe có tần suất tụ tập đông người hàng ngày.
Về năng lực điều trị, tỉnh có thể đáp ứng nếu tiếp tục nâng công suất tối đa giường bệnh. Tuy nhiên, năng lực vật tư y tế, sinh phẩm, test xét nghiệm tỉnh không đủ đáp ứng, hiện còn 57.500 test nhanh kháng nguyên. Dự báo số ca bệnh sẽ tăng lên trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ 50 máy thở, 200 bác sĩ (20 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 180 bác sĩ nội khoa, đa khoa), 250 điều dưỡng và hỗ trợ máy ECMO. Về công tác xét nghiệm, tỉnh cần hỗ trợ 24 cán bộ, kỹ thuật viên xét nghiệm RT-PCR, hỗ trợ 100.000 đến 200.000 test nhanh kháng nguyên, 20.000 test PCR. Chính phủ xem xét chấp thuận cho tỉnh được tiếp nhận xe ô tô cứu thương do các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trao tặng để hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
Tập trung các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh lãnh đạo Trung ương hết sức quan tâm việc Bình Dương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đây là quyết định khó khăn nhưng là quyết định đúng đắn, đúng hướng, cần thiết, từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, nhân dân và sự tham gia hưởng ứng của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Tinh thần cốt tử của Chỉ thị 16 là nhà cách ly nhà, tổ cách ly tổ, khu phố cách ly khu phố, huyện cách ly huyện, toàn tỉnh phải quyết tâm siết chặt tay, đồng lòng thực hiện chiến lược giữ vững “vùng xanh” để quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng, qua đó cùng với TP.Hồ Chí Minh tạo thành vành đai an toàn.
Bình Dương phải tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc cho công tác chống dịch. Với vùng đỏ, đậm đặc, tỉnh phải quét đi quét lại nhiều lần và có kế hoạch phân loại, đồng bộ từ khâu lấy mẫu, trả kết quả. Nếu có ca dương tính thì lập tức chuyển ngay đến khu thu dung, điều trị. Bình Dương phải tính đến phương án xấu hơn và sẵn sàng hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh điều trị F0. Tỉnh phải tổ chức tạo điều kiện cho F0 không triệu chứng có không gian rộng vận động và theo dõi thật chặt để khi có triệu chứng thì chuyển điều trị tuyến trên. Bình Dương cần phải triển khai oxy tập trung để giảm thiểu số ca chuyển bệnh nặng; đồng thời động viên, tạo điều kiện bảo vệ tối đa cho lực lượng điều trị để họ làm nhiệm vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú ý quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động và người dân khó khăn.
Bình Dương cần nhanh chóng xác định các nhà máy an toàn để cho hoạt động trở lại. Với nhà trọ, cần sắp xếp lại, đi sâu vận động bà con ở nhà trọ chuyển chỗ ở để di chuyển vào vùng sạch thực hiện “2 địa điểm, 1 cung đường” và động viên người dân quyết tâm chống dịch. Bình Dương phải giữ chặt “vùng xanh” phía bắc và giải phóng từng nhóm, khu, tổ tại vùng đỏ. Trong khu phong tỏa thì tránh tình trạng “chặt bên ngoài, lỏng bên trong…
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các thành viên trong đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Công ty TNHH Yazaki Việt Nam (TP.Dĩ An), khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở phường Phú Chánh (TX.Tân Uyên) và Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt Nga (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore IIA, TX.Tân Uyên).
Trao đổi với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lắng nghe, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động. Để công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động phối hợp, cung cấp dữ liệu về người lao động cho địa phương. Việc này có ý nghĩa to lớn và giúp địa phương dễ dàng khoanh vùng truy vết, điều tra dịch tễ trong trường hợp ghi nhận ca nhiễm mới trong môi trường nhà máy, xí nghiệp.
Tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND tỉnh tìm kiếm các đơn vị cung ứng kịp thời trang bị 1.000 đầu oxy phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các khu điều trị; cố gắng gấp rút trang bị đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống máy thở và khí oxy sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể. Đối với đội ngũ y bác sĩ trực tiếp tham gia công tác khám sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tỉnh cũng cần có những biện pháp bảo vệ, hỗ trợ; bảo đảm duy trì thật tốt tinh thần và sức khỏe của lực lượng tuyến đầu để họ luôn đứng vững và chiến đấu với dịch bệnh…
KIM HÀ - ĐÌNH THẮNG