Bình Dương: 100% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em
(BDO) Sáng 7-8, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo cấp huyện, thị, thành phố về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trẻ em trên địa bàn tỉnh (ảnh). Trên cơ sở đó nắm những khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt hơn nữa những chính sách về trẻ em trong thời gian tới.
Toàn tỉnh hiện có hơn 374.000 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, chiếm 18,75% dân số trong tỉnh; trẻ em dưới 6 tuổi 163.800 em, chiếm 8,2% dân số trong tỉnh. Tổng số trẻ em đặc biệt khó khăn 3.405 em, chiếm tỷ lệ 0,91% trên tổng số trẻ em toàn tỉnh. Trong 2 năm 2016 và 2017 hệ thống chính sách về trẻ em không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, cụ thể là các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em được UBND tỉnh ban hành nhằm giải quyết những khía cạnh khác nhau trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Ngân sách Nhà nước và những nguồn lực khác đã dành một khoản đầu tư đặc biệt cho công tác trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em; riêng việc thăm, tặng quà đã chi gần 10,4 tỷ đồng tặng quà cho gần 40.000 trẻ từ ngân sách và vận động. trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã được triển khai và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xây dựng và thực hiện chính sách về trẻ em còn nhiều tồn tại như vấn đề.
Tại cuộc họp, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã hỏi và được các sở, ngành, địa phương giải đáp thắc mắc về công tác chăm sóc trẻ em. Về phía các sở, ngành, địa phương cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc để Ban VH-XH HĐND tỉnh ghi nhận trình HĐND tỉnh xem xét có hướng tháo gỡ.
Kết luận cuộc họp, ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị, các địa phương nên ưu tiên quỹ đất xây dựng công trình phúc lợi cho trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ khó khăn; nâng cao công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp chăm lo cho trẻ. Ngành lao động - thương binh và xã hội, các địa phương nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ cho những người làm công tác trẻ em; đồng thời tiếp tục tuyên truyền việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập để hạn chế bạo hành trẻ em.
THIÊN LÝ